Lợi nhuận ngân hàng Techcombank đã tạo đáy?

29/01/2024 07:12

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB) đã phát tín hiệu tạo đáy.

Tổng thu nhập hoạt động tiếp tục cải thiện

Trong quý 4/23, tổng TNHĐ và LNTT của TCB lần lượt đạt 11 nghìn tỷ (+16,9% YoY và +5,8% QoQ) và 5,7 nghìn tỷ (+21,6% YoY, -1,2% QoQ). Có thể thấy, thu nhập hoạt động của ngân hàng đã bắt đầu phục hồi trở lại từ Q4/2023, trong khi đó, việc kiểm soát tốt chi phí hoạt động động lực cho tăng trưởng lợi nhuận của Q4 so với cùng kỳ.

Về phía thu nhập, nguồn thu lãi (NII) đạt 7,59 nghìn tỷ (+11,4% YoY và 4,5% QoQ) và các nguồn thu ngoài lãi đạt 3,4 nghìn tỷ (+31,1% yoy và 8,7% QoQ). Tăng trưởng của thu nhập lãi thuần được dẫn dắt bởi mức tăng trưởng tín dụng cao (21,6% YTD và 7,1% QoQ) bù đắp cho sự sụt giảm về NIM, ước khoảng 4,15% (-13% bps QoQ và -35 bps yoy). Ngoài ra, nguồn thu phí của TCB bắt đầu phục hồi theo quý với mức tăng hơn 10% QoQ lên 2,49 nghìn tỷ (-1,5% YoY) khi các hoạt động thanh toán, banca và ngân hàng đầu tư phục hồi.

Về phía chi phí, chi phí hoạt động (CPHĐ) được kiểm soát tốt trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng vẫn trong xu hướng tăng. Theo đó, chi phí hoạt động giảm 10% YoY. Ở chiều ngược lại, chi phí dự phòng tăng 136% YoY tương đương với chi phí tín dụng (TTM) ở mức 0,9%, tăng 16 điểm cơ bản so với quý trước.

Lũy kế cả năm 2023, tổng TNHĐ và LNTT lần lượt là là  40 nghìn tỷ (-2% YoY) và 22,8 nghìn tỷ (-10,5% YoY); hoàn thành được 104% kế hoạch lợi nhuận cho năm 2023 của Ngân hàng.

NIM giảm nhẹ đến từ tác động của lợi suất tài sản

Cho cả năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt 21,6% YTD và 7,1% QoQ, trong đó tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng đạt 23% YTD và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng 3,6% YTD (chiếm 7,6% tín dụng). Trong các phân khúc, dư nợ cho vay liên quan đến doanh nghiệp tăng trưởng 72,8% YTD,  tín dụng của khối KHDN kinh doanh BĐS (Recom) dẫn dắt tăng trưởng ở mức 43% YTD và chiếm 43% tổng tín dụng.

Ngược lại, dư nợ cho vay liên quan đến khối KHCN giảm 2,6% YTD chủ yếu do nhu cầu mua nhà sụt giảm và ảnh hưởng của môi trường lãi suất cao nửa đầu năm. Tuy nhiên kể từ  Q3/2023, dư nợ cho vay của khối KHCN đã cho thấy sự phục hồi nhờ vào dư nợ cho vay đối với nhà ở, xe, thẻ tín dụng.

Tăng trưởng huy động là 37% YTD và 9,9% so với quý trước, trong đó tăng trưởng tiền gửi được đẩy mạnh trong Q3 đạt 14,1% YTD và giấy tờ có giá là 81,8% YTD. Ngân hàng tăng cường huy động trong Quý 4 nhờ vào mặt bằng lãi suất huy động đã giảm đáng kể để có thể đảm bảo thanh khoản cho giai đoạn cầu tín dụng cao cũng như đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá (+149% YTD và 37% QoQ) để đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (SFLR) về mức 26,4%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng mạnh so với quý trước lên 39,9% nhờ vào đóng góp mạnh mẽ của nguồn CASA đến từ khối doanh nghiệp.

NIM (quy năm) giảm 13 điểm cơ bản so với quý trước đến từ việc lợi suất tài sản sinh lãi giảm 66 bps mặc dù chi phí vốn giảm 62bps. Sự sụt giảm về NIM của TCB có thể đến từ (1) dư nợ của khối khách hàng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh hơn, (2) áp lực cạnh tranh lãi suất, (3) Dư nợ tín dụng chủ yếu tăng nhanh trong những tháng cuối năm khiến lợi suất sinh lãi bình quân thấp hơn mức thực tế.

Chủ động trích lập dự phòng ở mức cao nhằm gia tăng bộ đệm dự phòng

Tỷ lệ nợ xấu của TCB đến cuối quý 4 là 1,16 %, giảm 20bps QoQ. Đồng thời, nợ nhóm 2 tiếp tục cho thấy sự tích cực khi giảm về mức 0,86% so với 1,26% cuối quý 3. Ngân hàng cũng đồng thời chủ động tăng khả năng kiểm soát rủi ro khi tăng cường trích lập dự phòng với chi phí dự phòng rủi ro là 1,6 nghìn tỷ tương đương chi phí tín dụng biên (TTM) là 0,9%, tăng 20 bps so với quý 3. Trong kỳ, nhờ tích cực xử lý rủi ro đối với nợ xấu nội bảng và kiểm soát nợ xấu mới phát sinh, bộ đệm dự phòng được củng cố khi tăng trở lại mức 102%.

Dư nợ cơ cấu theo thông tư 02 tại thời điểm cuối năm 2023 của TCB là 1,8 nghìn tỷ và đã được trích lập 100% cho phần dư nợ này.

Khó khăn còn hiện hữu, nhưng dấu hiệu phục hồi xuất hiện

Mặc dù tiềm năng mở rộng khiêm tốn trong nửa đầu năm 2023 do các điều kiện khó khăn, hoạt động kinh doanh của ngân hàng đã phát tín hiệu tạo đáy khi khi LNTT nửa cuối năm tăng trưởng 3% so với nửa đầu năm và tăng 1,4% svck. VDSC kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục cải thiện trong các Quý tới khi một số nút thắt liên quan đến chi phí vốn, hoạt động IB, hoạt động banca đã phần nào được Ngân hàng kiểm soát.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng với đặc thù danh mục cho vay các doanh nghiệp và các nhân trong lĩnh vực BĐS, tốc độ hồi phục của ngành nghề này cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự hồi phục của NIM và chi phí tín dụng. Do đó thời điểm này và trong tương lai gần sẽ tiếp tục là giai đoạn thử thách trong việc quản lý và chất lượng tài sản của ngân hàng.

Giá cổ phiếu TCB hiện đang ở mức 35.250 VND và mức PB hiện tại là 0,96, giá cổ phiếu đã phục hồi đáng kể ở mức 82% từ thời điểm cuối năm 2022 khi các nút thắt về thị trường TPDN và thị trường BĐS được khơi thông. Chúng tôi hiện đang cập nhật dự phóng và định giá TCB và sẽ cập nhật giá mục tiêu trong báo cáo tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết "Lợi nhuận ngân hàng Techcombank đã tạo đáy?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.