Hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động thể thao

20/12/2022 11:51

Bộ VHTTDL xác định việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tổ chức triển khai và kiểm tra đánh giá hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch là đặc biệt quan trọng.

Trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã rất nỗ lực triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả khả quan trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả triển khai.

Đặc biệt thời gian qua, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh nhưng Bộ VHTTDL đã rất quyết tâm chỉ đạo để xây dựng và đạt được tiến độ cũng như chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ VHTTDL đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ... cũng như hoàn thiện hệ thống các Nghị định trình Chính phủ để hướng dẫn thi hành các luật này, tổ chức thi hành pháp văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định đến hiệu lực, khả năng thực thi và điều chỉnh các quan hệ xã hội của văn bản.

Bộ VHTTDL đề xuất một số giải pháp có tính chất cụ thể, bước đầu nhằm tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó, cần nghiên cứu xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cụ thể, đầy đủ cho công tác tổ chức thi hành pháp luật, gắn trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị có liên quan trọng quá trình thực hiện.

Nâng cao chất lượng công tác lập đề nghị xây dựng văn bản, trong đó chú trọng chất lượng của Báo cáo đánh giá tác động chính sách, các số liệu phải khoa học, có căn cứ thực tiễn; gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị xây dựng Báo cáo đỉnh giá tác động chính sách với quá trình xây dựng văn bản và kết quả của quá trình thực thi văn bản sau khi được ban hành.

eee-1671511769.jpg
Bộ VHTTDL đã rất quyết tâm chỉ đạo để xây dựng và đạt được tiến độ cũng như chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật.

Có Kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành, trong đó nêu rõ nội dung triển khai thực hiện, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, thời hạn hoàn thành, đầu mối tổng hợp đánh giá thời hạn sơ kết, tổng kết; những nội dung, chính sách cần đánh giá hằng năm để có biện pháp xử lý ngay nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc...

Thường xuyên tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân một cách hợp lý, khoa học thông qua các nguồn thông tin khác nhau để có cách nhìn khách quan về từng vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, xây dựng khung pháp lý trong xử phạt vi phạm hành chính thực sự phù hợp, mức phạt tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm nhằm bảo đảm tính răn đe.

Trong kế hoạch ban hành của Bộ VHTTDL thì yếu tố đổi mới, sáng tạo được đặt lên hàng đầu nhằm triển khai các phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực, gần gũi, phù hợp với điều kiện, tình hình hoạt động của ngành, phù hợp với đối tượng, nội dung, thực hiện tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các hình thức: tổ chức hội nghị, tập huấn, in tài liệu, cổ động trực quan, thi tìm hiểu pháp luật, đối thoại chính sách, pháp luật, thông tin báo chí, cung cấp thông tin, giải đáp pháp luật trên cổng/trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, thiết bị di động và môi trường mạng đảm bảo an ninh, cổ động trực quan như treo băng rôn, cờ phướn, phát tài liệu, tờ rơi; gắn nội dung tuyên truyền và các chương trình nghệ thuật ca, múa nhạc; những tác phẩm sân khấu được phát trên truyền hình và biểu diễn, chiếu phim phục vụ nhân dân;

Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo các đề án, kế hoạch, chương trình đã ban hành; nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật;

Quan tâm, tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; rà soát, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; vận dụng kỹ năng dân vận khéo trong phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đối với Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

Đối với hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn luyện tập, hoạt động thể thao mạo hiểm: Thực hiện quy định được giao tại Luật Thể dục, thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 04/2019/TT-BVHTTDL ngày 17 tháng 7 năm 2019 về Danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn luyện tập, danh mục hoạt động thể thao mạo hiểm. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/09/2019.

Các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngành thể thao được xây dựng và tổ chức thực hiện sẽ tạo ra bước chuyển biến mới trong việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện tốt các đạo luật đã và sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới và đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong đó, tùy thuộc vào từng giai đoạn cụ thể, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên như thông tin pháp lý; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh; kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp; tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bạn đang đọc bài viết "Hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động thể thao" tại chuyên mục Thể thao. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.