TMV Ganghwoo và BV EMCAS bị khách hàng tố phẫu thuật hỏng: Thêm dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế?

13/12/2019 10:16

Không chỉ trốn tránh trách nhiệm khi phẫu thuật thẩm mỹ hỏng cho khách, "cặp đôi" Thẩm mỹ viện Gangwhoo và Bệnh viện EMCAS còn có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế khi không xuất hóa đơn cho khách hàng.

Không chỉ trốn tránh trách nhiệm khi phẫu thuật thẩm mỹ hỏng cho khách, "cặp đôi" Thẩm mỹ viện Gangwhoo và Bệnh viện EMCAS còn có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế khi không xuất hóa đơn cho khách hàng.
Lòng vòng trốn trách nhiệm 
Báo Sức khoẻ Cộng đồng đã có bài phản ánh về hai bệnh nhân đến mua dịch vụ thẩm mỹ tại Thẩm mỹ viện Gangwhoo và sau đó lại được thẩm mỹ viện này đưa sang Bệnh viện EMCAS (14/27 Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10) để thực hiện. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật cả hai trường hợp này đều phản ánh là bị tai biến, các bộ phận phẫu thuật bị biến dạng. Hai khách hàng này đã yêu cầu Thẩm mỹ viện Gangwhoo và Bệnh viện EMCAS có trách nhiệm nhưng cả hai đều lảng tránh trách nhiệm. 
Bệnh viện EMCAS bị khách hàng tố ?
Đơn thư của bạn đọc phản ánh: Ngày 02/02/2019, qua xem quảng cáo về dịch vụ nâng ngực trên Facebook, chị Huỳnh Thị Thanh T. đã đến Thẩm mỹ viện Gangwhoo (số 57 đường 3 tháng 2, Phường 11, Quận 10, TP Hồ Chí Minh) để tìm hiểu. Sau khi được các nhân viên ở đây tư vấn, chị T. đã đóng 5000 đô la Úc (tương đương gần 80 triệu tiền Việt Nam) cho Thẩm mỹ viện Gangwhoo để thực hiện dịch vụ nâng ngực.
Sau đó, nhân viên thẩm mỹ viện Gangwhoo đã đưa chị T. sang bệnh viện thẩm mỹ EMCAS (14/27 Hoàng Dư Khương, P.12, Q.10) để thực hiện phẫu thuật. Hậu phẫu, chị T. tố ngực hư và gửi đơn yêu cầu hai đơn vị này phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này cả phía thẩm mỹ viện Gangwhoo và bệnh viện EMCAS đều không giải quyết.
Thẩm mỹ viện Gangwhoo cho rằng do bác sĩ Phùng Mạnh Cường (Là bác sĩ của Thẩm mỹ viện Gangwhoo) đưa thẳng khách hàng Ngô Thị Kim S. sang Bệnh viện EMCAS để từ chối trách nhiệm. Tuy nhiên, thẩm mỹ viện này viết phiếu tạm thu tiền của khách hàng. Điều này cho thấy Thẩm mỹ viện Gangwhoo đang cố tình trốn tránh trách nhiệm.  
Tương tự, ngày 22/07/2019, chị Ngô Thị Kim S. đến thẩm mỹ viện Gangwhoo (số 57 đường 3 tháng 2, Phường 11, Quận 10). Sau khi được các nhân viên ở đây tư vấn, chị S. đã đóng 105 triệu đồng cho thẩm mỹ viện này để mua ba dịch vụ gồm nâng mũi, khép vành tai vểnh và nâng ngực (60 triệu). Ngày 23/07/2019, bất ngờ chị được đưa sang bệnh viện EMCAS để nâng ngực. Hậu phẫu, chị S. tố bị hư ngực. Và cả hai đơn vị này cũng tảng lờ trách nhiệm theo đúng như "bài" đã áp dụng với khách hàng Huỳnh Thị Thanh T.
Cụ thể, trả lời PV về vụ việc của chị S, bà bà Lê Thị Hiền – Chủ tịch hội đồng thành viên của Công ty TNHH Phùng Quang Diệu (Là đơn vị sở hữu Thẩm mỹ viện Gangwhoo và Thẩm mỹ viện Gangnam) nói: "Ca này em gửi thẳng câu hỏi cho ông bác sỹ Phùng Mạnh Cường nếu như ông bác sỹ Phùng Mạnh Cường làm. Bên chị thì phẫu thuật ngực đâu có làm, ca nào làm ở chỗ chị thì chị mới biết. Còn có khi ca ngực ông bác sỹ đưa đi đâu đó thì đưa chứ".  
Cần phải nói thêm rằng, thẩm mỹ viện Gangwhoo chỉ là Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ nên không được phép thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực. Và thực tế thì đơn vị này cũng không đủ năng lực để thực hiện các ca phẫu thuật lớn. Dù vậy, thẩm mỹ viện Gangwhoo vẫn quảng cáo những dịch vụ này, tư vấn cho khách hàng, nhận tiền của khách hàng rồi "bán" sang Bệnh viện EMCAS. 
Để làm rõ nội dung tố cáo của hai bạn đọc, PV báo Sức khoẻ Cộng đồng đã liên hệ làm việc với  cả hai đơn vị. Trong khi phía Thẩm mỹ viện Gangwhoo lấy lý do có khi ca ngực bác sỹ của Thẩm mỹ viện tự đưa khách hàng sang Bệnh viện EMCAS để thực hiện phẫu thuật để từ chối trách nhiệm thì phía Bệnh viện EMCAS lại im lặng. Và đó cũng là cách mà hai đơn vị này trả lời để lảng tránh trách nhiệm của họ với khách hàng của mình. 
Có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế?
Ngoài những dấu hiệu vi phạm về hoạt động chuyên môn trong khám chữa bệnh, qua hai trường hợp bệnh nhân tố cáo còn cho thấy thẩm mỹ viện Gangwhoo và EMCAS có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế vì không đơn vị nào xuất hóa đơn cho khách hàng mua dịch vụ. 
Trao đổi với PV báo Sức khoẻ cộng đồng về vụ việc, Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật Gia Việt Nam) phân tích: “Nếu trong trường hợp giữa TMV Gangwhoo và Bệnh viện EMCAS đã có thỏa thuận hợp tác chuyên môn và trong thỏa thuận này các bên có quy định rõ Bệnh viện EMCAS có trách nhiệm xuất hóa đơn cho khách hàng khi được cung ứng dịch vụ tại hai cơ sở này thì việc không xuất hóa đơn của Bệnh viện EMCAS trong trường hợp này đã vi phạm thỏa thuận của các bên, cũng như vi phạm quy định Pháp luật về thuế.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn là “Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.”. Như vậy, nếu hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên thì bắt buộc phải lập hóa đơn.
Hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo luật định được xem là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Tùy theo mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý vi phạm hành chính thì tổ chức có hành vi này bị “Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên” căn cứ theo Điểm e Khoản 1 Điều 13 Thông tư 166/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, mức phạt này sẽ tăng tùy theo tính nghiêm trọng của hành vi.
Về trách nhiệm hình sự, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế được quy định cụ thể tại Điều 200 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, mức phạt thấp nhất đối với cá nhân vi phạm là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, mức phạt cao nhất là phạt tiền 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Đối với pháp nhân vi phạm: Mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.  
Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ với số tiền lớn nhưng không xuất hóa đơn cho khách hàng có thể được xem là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Số tiền thuế này đi về đâu? Chúng tôi sẽ cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu của vụ việc cho Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh để làm rõ.
Báo Sức khoẻ cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin.
Phi Yến - Theo baosuckhoecongdong.vn
https://baosuckhoecongdong.vn/bv-emcas-bi-to-tron-thue-gian-lan-thue-bai-1-dong-so-tien-lon-nhung-khong-duoc-xuat-hoa-don-144336.html

Bạn đang đọc bài viết "TMV Ganghwoo và BV EMCAS bị khách hàng tố phẫu thuật hỏng: Thêm dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế?" tại chuyên mục Khỏe - Đẹp. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.