Chương trình Vua tiếng Việt sai chính tả: Tên gọi 'Vua tiếng Việt' cũng cần xem lại

25/04/2023 07:57

"Tên chương trình là Vua tiếng Việt cũng không ổn. Nghe cái tiêu đề cuộc chơi Vua tiếng Việt quá đao to búa lớn. Làm gì mà xưng hùng, xưng tước trong một cuộc chơi. Nghe không ổn chút nào"...

3414731085697533985910551158836976881346157n-16822581791802135726945-16823022578982106113426-1682384158.png

Tập 29 Vua tiếng Việt chạy dòng đính chính phía dưới màn mình về lỗi sai chính tả ở tập 28 - Ảnh chụp màn hình

Trên đây là những ý kiến phản hồi của bạn đọc xung quanh bài viết Chương trình Vua tiếng Việt sai chính tả, Tuổi Trẻ Online đã phản ánh.

Như tin đã đưa, chương trình truyền hình Vua tiếng Việt tập 28 vừa phát sóng trên kênh VTV3 đang được ông Hoàng Tuấn Công - một người có nhiều nghiên cứu về tiếng Việt - chỉ ra lỗi sai chính tả: từ ‘chậm trễ’ đã bị chương trình hướng dẫn viết thành ‘chậm chễ'.

Lỗi sai này ở trong phần thi của thí sinh Đỗ Văn Tăng trong tập 28 mới phát sóng hôm 14-4. Ban tổ chức đặt câu hỏi cho người chơi chọn phương án đúng giữa hai phương án "trậm trễ" hay "chậm chễ".

Người chơi đã chọn "chậm chễ" và người dẫn chương trình là nghệ sĩ Xuân Bắc khẳng định đáp án của người chơi là đúng.

Về lỗi chính tả "chậm chễ" trong tập 28, mùa 2 của chương trình Vua tiếng Việt mà khán giả phản ánh, một đại diện từ ê kíp sản xuất chương trình cho biết ê kíp đã phát hiện lỗi sai này.

Sau đó lỗi sai đã được đính chính bằng dòng chữ chạy dưới chân màn hình bắt đầu từ phút 9:15.

Dòng đính chính viết: Trong tập 28 phát sóng ngày 14-4-2023, ban biên tập đã có một câu hỏi chính tả sai đáp án. Chúng tôi xin đính chính đáp án đúng của câu hỏi này là "chậm trễ".

Trang vtv.vn phát lại tập Vua tiếng Việt nói trên vẫn hiện dòng chữ đính chính. Tuy nhiên trên một số kênh YouTube phát "lậu" tập này thì không có dòng đính chính.

"Đúng ai cũng có thể sai, nhưng đây là một chương trình Vua tiếng Việt, một chương trình có cả một ê kíp chuẩn bị trước, vả lại từ chậm trễ là một từ rất cực kỳ phổ thông nên sai thì nhận lỗi, không biện hộ giải thích gì hết" - bạn đọc Hải Nguyễn viết.

Đồng tình, bạn đọc Đông Phương nêu ý kiến: "Tôi đồng ý rằng ai cũng có thể mắc sai sót, nhưng đối với một từ ngữ thông dụng như thế này và không hề có những biến thể, những tranh cãi, không có những phương ngữ gây nhầm lẫn... nhưng lại sai chính tả thì khó lòng mà chấp nhận được".

Gay gắt hơn, bạn đọc Minh bổ sung: "Sao lại lấy lý do: “… trong bối cảnh chính tả tiếng Việt còn nhiều thứ chưa được thống nhất một cách chặt chẽ…” để biện hộ cho một lỗi sai chính tả rất sơ đẳng của mình".

"Vua tiếng Việt" - ngay cả tên gọi của chương trình đã nói lên tầm quan trọng của tiếng Việt, đồng thời được xuất hiện trong chương trình mang tính giáo dục về ngôn ngữ của một quốc gia, được kênh truyền hình quốc gia phát sóng, do đó bạn đọc Thao Nguyen viết: "Những người cố vấn chương trình nên nghiêm túc thừa nhận lỗi sai. Chứ vừa thừa nhận lỗi vừa tự xuê xoa kiểu đó thì chương trình sẽ còn mắc lỗi dài dài".

Không đồng ý với cách đính chính của chương trình, bạn đọc Hoa Xuân viết: "Là đài truyền hình quốc gia, nếu chương trình dẫu có sai sót lớn hay nhỏ cũng phải có lời đính chính bằng văn bản (miệng), chứ không thể đính chính bằng một dòng như vậy được".

Góp thêm một góc nhìn, bạn đọc Trịnh Thanh Phi góp ý: "Tên chương trình là "Vua tiếng Việt" cũng không ổn, người thắng trong mỗi chương trình phát sóng là "Vua tiếng Việt" không ổn rồi, mà ban tổ chức là "Vua tiếng Việt" cũng đâu có ổn. Nên đổi tên chương trình thành "Yêu tiếng Việt" là hợp lý nhất"!

Đồng tình với ý này, bạn đọc Da Nang bổ sung: "Nghe cái tiêu đề cuộc chơi "Vua tiếng Việt" là tôi thấy lấn cấn không muốn xem. Làm gì mà xưng hùng, xưng tước trong một cuộc chơi mà nhiều khi những cố vấn hay những người trong ban tổ chức thỉnh thoảng vẫn... sai chính tả như thường".

Cần phải có sự khiêm tốn cần thiết, tránh đao to búa lớn hoặc thùng rỗng kêu to, bạn đọc Van góp ý: "Tôi thấy VTV cần xem lại việc phát sóng chương trình này: 1- Xưng danh "Vua tiếng Việt" chỉ qua mấy vòng "trò chơi" thì thật sự không ổn, cũng đại loại như "ông hoàng nhạc P." tự xưng mà thôi. 2- Nội dung các vòng thi cũng khá nhàm chán, tương tự như "đuổi hình bắt chữ" trước đây".

Theo TUỔI TRẺ ONLINE
Bạn đang đọc bài viết "Chương trình Vua tiếng Việt sai chính tả: Tên gọi 'Vua tiếng Việt' cũng cần xem lại" tại chuyên mục Giải trí. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.