Áp lực trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp giảm, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam nhiều lần được gọi tên chậm trả lãi trái phiếu trong năm 2023

10/04/2024 07:29

Theo VIS Rating, lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới tiếp tục giảm trong tháng 3/2024,lượng phát hành mới trong tháng 4 đạt 8.8 nghìn tỷ đồng chủ yếu đến từ nhóm ngành bất động sản. Trong số trái chủ chậm thanh toán, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã nhiều lần chậm trả lãi trái phiếu trong năm 2023.

screen-shot-2024-04-09-at-084602-1712708921.png

VIS Rating vừa có báo cáo tổng quan về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam tháng 3/2024. Theo đó, thị trường TPDN Việt Nam có nhiều diễn biến tích cực trong tháng 3/2024 nhờ triển vọng tín nhiệm cải thiện, với giá trị chậm trả gốc/lãi phát sinh mới giảm, tình hình tái cơ cấu nợ và giá trị phát hành mới tăng so với tháng 2/2024.

Theo báo cáo của VIS Rating, lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới tiếp tục giảm trong tháng 3/2024, tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường không thay đổi so với tháng trước.

Tổng lượng trái phiếu chậm trả phát sinh mới là 7.7 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2024, thấp hơn so với quý 1/2023 và quý 4/2023. VIS Rating kỳ vọng xu hướng giảm về số lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi sẽ tiếp tục trong năm 2024 nhờ vào triển vọng tín nhiệm được cải thiện.

Tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng 3/2024 ở mức 15%, không thay đổi so với tháng 2/2024. Hơn một nửa lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi đến từ nhóm ngành Bất động sản, với tỷ lệ chậm trả gốc lãi của ngành này là 30.7%.

Tháng 3/2024, có ba trái chủ phát hành (TCPH) thanh toán tiền gốc của trái phiếu chậm trả cho trái chủ với tổng giá trị là 2.200 tỷ đồng. Tỷ lệ thu hồi đối với trái phiếu chậm trả toàn thị trường do đó tăng lên 13% tính đến cuối tháng 3 so với mức 12% cuối tháng trước đó.

VIS Rating ước tính có khoảng 10% lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 4/2024 có rủi ro cao khoảng 3 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với tháng 3/2024. Những trái phiếu này được phát hành bởi các TCPH có biên lợi nhuận EBITDA ở mức thấp trong 3 năm gần đây (<10%) và có nguồn tiền mặt để trả nợ đến hạn thấp (<0,5 lần). Trong số đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã nhiều lần chậm trả lãi trái phiếu trong năm 2023.

Trong tháng 4/2024, có tới hơn 30 doanh nghiệp đến ngày đáo hạn trái phiếu, những cái tên nổi bật như lô TPPH2124001 của CTCP Tân Phú Việt Nam; APHH2124001 của CTCP Tập đoàn An Phát Holdings; ACBH2224002 của Ngân hàng TMCP Á Châu; AGGH2224002 của CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia; VPIB2124002 của CTCP Đầu tư Văn Phú Invest; VPLB2024002 -VPLB192001 của CTCP Vinpearl; BIDL2224019 của Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam…

Trong đó lô trái phiếu TNGCB2224003 của CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam và lô KHGH2123001 của CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land chậm trả gốc/lãi trái phiếu.

Cũng theo VIS Rating, trong 12 tháng tới, khoảng 20% lượng trái phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn với tổng giá trị là 235 nghìn tỷ đồng. “Chúng tôi ước tính 15% trong số này là trái phiếu có rủi ro cao, tập trung chính ở các ngành Bất động sản và Xây dựng”, VIS Rating nhận định .

Lượng trái phiếu đáo hạn trong 12 tháng tới theo các nhóm ngành và theo phân loại trái phiếu rủi ro cao, trong đó nhóm bất động sản rủi ro cao nhất, tiếp theo là xây dựng, du lịch – tổ chức nghỉ dưỡng, dịch vụ khác và năng lượng.

Về TPDN phát hành mới trong tháng 3/2024 đã tăng từ mức đáy trong 2 tháng đầu năm 2024. Lượng phát hành mới trong tháng 3/2024 là 8.8 nghìn tỷ đồng, cao hơn so mức 2.8 nghìn tỷ đồng trong tháng 2/2024. Phần lớn lượng phát hành mới trong tháng 3 năm 2024 đến từ nhóm ngành Bất động sản dân cư và có kỳ hạn ngắn từ 1 đến 3 năm.

Trong số đó, có khoảng 30% lượng trái phiếu phát hành trong tháng 3 đến từ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng, là doanh nghiệp dạng SPE được thành lập vào tháng 8/2022 có vốn góp từ Vinhomes. Trái phiếu kỳ hạn 3 năm do đơn vị này phát hành có lãi suất 10%, thấp hơn mức lãi suất 12% của trái phiếu cùng kỳ hạn của Vinhomes cũng phát hành trong tháng 3/2024.

Những cái tên phát hành mới như Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Hải Đăng (tài sản đảm bảo là tài sản khác), Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và phát triển Việt An (tài sản khác), CTCP Thương mại du lịch Lạc Hồng (tài sản đảm bảo dự án bất động sản), CTCP Vinhomes (không đảm bảo) và CTCP chứng khoán Rồng Việt (không đảm bảo).

Bạn đang đọc bài viết "Áp lực trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp giảm, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam nhiều lần được gọi tên chậm trả lãi trái phiếu trong năm 2023" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.