Vietcomreal – Doanh nghiệp địa ốc “khủng” kín tiếng tại TP.HCM

11/10/2022 11:42

Dù sở hữu nhiều dự án bất động sản là vậy, Vietcomreal gây bất ngờ khi lãi thuần giai đoạn 2016-2019 chỉ giao động từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.

Thành lập từ năm 2007, CTCP Thương Mại Địa Ốc Việt (Vietcomreal) được hình thành từ các cổ đông có danh tiếng như CTCP Bất động sản Sabeco (5%) – công ty từng do Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn sở hữu 45% vốn; CTCP May xây dựng Huy Hoàng (10%), Công ty TNHH Đầu tư – Thương mại – Dịch vụ Hưng Thịnh (40%), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC (5%) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (11%).

Sáng lập bởi các cổ đông vốn mạnh cả về tiềm lực lẫn quan hệ, Vietcomreal hẳn nhiên nhận được nhiều kỳ vọng để trở thành một tập đoàn bất động sản lớn ở khu vực phía Nam. Điều đó phần nào được minh chứng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của công ty.

Dù vậy, trước khi đi sâu vào tiềm lực của Vietcomreal, nên chăng bắt đầu từ  lãnh đạo cao nhất của nó – doanh nhân Nguyễn Thị Phước (SN 1959), người từng ít nhiều liên quan đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam lẫn Sabeco.  

Theo tìm hiểu của Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu (DN&TH), doanh nhân gốc Khánh Hòa có xuất phát điểm là Trưởng trạm thu mua Công ty Thương mại TP. Buôn Mê Thuột (giai đoạn năm 1988 – năm 1992), rồi sau đó là Phó Giám đốc CTCP Hồng Phúc Đắk Lắk (năm 1992 – năm 1994).

Từ năm 1995 trở đi, bà nắm vị trí cấp cao tại nhiều doanh nghiệp liên quan đến Sabeco, Vietcombank như: Ủy viên HĐQT CTCP Bia Sài Gòn miền Trung (Sabeco nắm 32,22%), Chủ tịch đại diện quỹ VCB 3 Quỹ thành viên Vietcombank 3, Thành viên HĐQT CTCP Rượu Bình Tây (Sabeco sở hữu 91,75%), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư cao ốc và Thương mại Nha Trang, Ủy viên HĐQT kiêm Quyền TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Tân Thành,...

1624072426v-1665463181.jpg
Bà Nguyễn Thị Phước – Tổng giám đốc Vietcomreal ( ảnh sưu tầm Internet)

Nhắc đến Vietcomreal, trước tiên phải kể đến hơn 16.600 m2 đất “vàng” tại số 76 Tôn Thất Thuyết, tức dự án căn hộ cao cấp Charmington Iris. Dự án gồm hai tòa tháp cao 35 tầng. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP, Vietcomreal và TTCLand đồng phát triển.

Theo tìm hiểu của DN&TH, Sabeco HP thành lập vào năm 2016, với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Sabeco HP có lẽ là sự kết hợp cái tên của 2 cổ đông lớn công ty là Sabeco (26%) và Công ty TNHH Đầu tư và thương mại du lịch Hiệp Phúc (74%). Và, nên biết nắm 79,62% vốn Hiệp Phúc là bà Nguyễn Thị Phước và người nhà.

Ngoài dự án số 76 Tôn Thất Thuyết, Vietcomreal còn sở hữu nhiều lô đất vàng đáng chú ý khác.

Đơn cử, trước khi cổ phần hoá (năm 2008), Sabeco đã đưa các khu đất 66 Tân Thành (quận 5, rộng 4.000m2), số 4 Thi Sách (quận 1, rộng 476,2m2) hợp với số 3 Thái Văn Lung (quận 1 rộng 1.600m2) đi góp vốn đầu tư trong liên doanh CTCP Đầu tư Thương mại Tân Thành để thực hiện các dự án bất động sản.

Sau đó, mảnh đất vàng gần 2.100m2 số 4 Thi Sách hợp số 3 Thái Văn Lung được giới thiệu trở thành dự án Vietcomreal Tower, lô đất 66 Tân Thành cũng sẽ làm dự án Vietcomreal Ventosa.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến hai lô đất số 46 Bến Vân Đồn (quận 4, rộng 3.872,5m2) và 606 Võ Văn Kiệt (quận 1, rộng 20.910m2) cũng được hai bên thành lập các doanh nghiệp dự án để cùng phát triển.

Không những thế, Sabeco còn cùng Vietcomreal góp vốn tại CTCP Bia Sài Gòn – Miền Trung (HOSE: SMB). Tính đến tháng 1/2021, Sabeco sở hữu 32,22% vốn SMB. Trong khi đó, Vietcomreal nắm 12,54% vốn SMB; Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Việt Phú Gia – một pháp nhân khác liên quan tới Vietcomreal, cũng đang nắm 3,07% vốn SMB. Bản thân Chủ tịch HĐQT Vietcomreal – bà Nguyễn Thị Phước, hiện đang là Thành viên HĐQT SMB.

Theo tìm hiểu, SMB hiện đang sở hữu 2 lô đất làm văn phòng làm việc, đó là: Số 1 Nguyễn Văn Linh, phường Tân An, TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk (diện tích 205.049m2) và Khu công nghiệp Phú Tài, khu vực 5, phường Trần Quang Diệu, TP.HCM, tỉnh Bình Định (diện tích 69.245m2). Bên cạnh đó, SMB sở hữu 1 nhà máy sản xuất tại Phú Yên (diện tích 33.776 m2).

Các dự án bất động sản đáng chú ý khác của Vietcomreal

Ngoài các thương vụ hợp tác với Sabeco, Vietcomreal còn sở hữu nhiều lô đất công đáng chú ý khác.

Trước hết, đó là thương vụ hợp tác với CTCP Pin Ắc quy Miền Nam (HOSE: PAC) để thực hiện 2 dự án là 445-449 Gia Phú (quận 6, diện tích 8.000 m2) và 752 Hậu Giang (quận 6, diện tích 17.000m2).

Theo đó, để thực hiện dự án trên nền đất 752 Hậu Giang (vốn là cơ sở 1 Xí nghiệp Pin Con Ó cũ), Vietcomreal và PAC đã liên doanh thành lập Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Thịnh Phát vào tháng 3/2016 với tỷ lệ lần lượt là 74:26. Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, để góp 32,5 tỷ đồng vào BĐS Thịnh Phát, PAC đã vay ngắn hạn Vietcomreal theo Hợp đồng vay tiền số 01/HĐVT/VCR-PNC ngày 3/11/2016 và phụ lục hợp đồng số 01/2019/PLHĐ/VCR-PNC ngày 29/4/2019. Theo phụ lục hợp đồng, khoản vay này đến hạn ngày 2/5/2020.

Tại ngày lập BCTC kiểm toán 2020, Ban giám đốc PAC chưa hoàn tất thỏa thuận gia hạn thêm hợp đồng. Trong khi đó, dự án này vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động.

Theo cam kết, khi nào xin được giấy phép xây dựng, Vietcomreal sẽ hỗ trợ cho Pinaco 30 tỷ đồng tiền hỗ trợ di dời đất.

Với lô đất tại số 445-449 Gia Phú, vào năm 2011, PAC kết hợp với Công ty TNHH MTV Lương thực TP.HCM thành lập Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Việt Gia Phú với mục đích khai thác việc sử dụng cơ sở đất đai tại địa chỉ nêu trên.

Qua nhiều lần thay đổi vốn điều lệ, tính đến tháng 3/2017, cơ cấu cổ đông Việt Gia Phú gồm: Vietcomreal (51%) và CTCP Đầu tư – Thương mại Hồng Phúc (49%), một pháp nhân khác thuộc nhóm Vietcomreal.

Theo tìm hiểu, dự án số 445-449 Gia Phú của công ty đã được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư vào tháng 7/2018. Hiện tại, trên nền đất của dự án là tòa nhà Viva Riverside.

Vào tháng 7/2018, Việt Gia Phú được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư dự án tại số 445-449 Gia Phú và số 1472 Võ Văn Kiệt (số cũ 270-277) tại phường 3, quận 6, TP.HCM.

Ngoài ra, phải kể đến dự án cao ốc thương mại – dịch vụ và căn hộ tại số 504 Nguyễn Tất Thành phường 18, quận 4, TP.HCM. Được biết, dự án này trước thuộc về CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam và được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư thực hiện vào ngày 6/7/2016. Dù vậy, chỉ vài tháng sau (tức ngày 14/12/2016), Cao su Miền Nam đã chuyển nhượng dự án cho Vietcomreal.

Không những thế, Vietcomreal vào năm 2011 còn hợp tác CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) thành lập CTCP Đầu tư Kinh doanh bất động sản Bình Minh Việt. Mục đích nhằm chuyển đổi công năng khu đất tại trụ sở chính Nhựa Bình Minh (tại địa chỉ số 240 Hậu Giang, phường 9, quận 6, TP.HCM khi có chủ trương di dời của Nhà nước. Toàn bộ công việc này đang do Vietcomreal thực hiện theo trình tự đầu tư.

Tính đến hết năm 2020, Nhựa Bình Minh đang nắm 26% vốn Bình Minh Việt, phần 74% vốn còn lại thuộc sở hữu của Vietcomreal.

Đáng chú ý, đó còn là thương vụ hợp tác với CTCP Dệt lưới Sài Gòn. Cụ thể, HĐQT Dệt lưới Sài Gòn vào tháng 10/2011 đã mời Vietcomreal, CTCP Tư vấn Đầu tư Sài Thành tham gia hợp tác đầu tư khai thác mặt bằng số 89 Nguyễn Khoái, quận 4, TP.HCM. Đến tháng 9/2011, Dệt lưới Sài Gòn, Vietcomreal và Đầu tư Sài Thành đã thống nhất thành lập CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Việt Hưng, vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông công ty không được công bố, dù vậy tính đến tháng 7/2017, bà Nguyễn Thị Phước là Chủ tịch HĐQT công ty.

Ngoài TP.HCM, Hiệp Phúc – pháp nhân thuộc nhóm Vietcomreal, còn là chủ đầu tư một dự án bất động sản diện tích 40.800m2 tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, Hiệp Phúc và người nhà bà Phước còn góp vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Cao ốc và Thương mại Nha Trang. Cụ thể, tính đến tháng 10/2016, cơ cấu cổ đông công ty gồm: Hiệp Phúc (10%), Đỗ Biên Thùy (22,5%), Đỗ Thu Diễm (22,5%) – 2 pháp nhân họ Đỗ cùng hộ khẩu thường trú với bà Phước, Lê Anh Tuấn (22,5%), Phan Kim Ân (22,5%).

Thương mại Nha Trang từng biết đến quanh vụ lùm xùm dự án chung cư 50 Lê Hồng Phong. Theo đó, công ty từng được UBND tỉnh Khánh Hòa giao làm chủ đầu tư dự án chung cư 50 Lê Hồng Phong năm 2003. Dự án có diện tích hơn 5.500 m2, tổng mức đầu tư gần 164 tỉ đồng và là đất sạch, không phải giải phóng mặt bằng.

Tuy đây là dự án đất sạch, không phải giải phóng mặt bằng, nhưng sau khi được giao đất, Thương mại Nha Trang lại không tích cực triển khai dự án. 9 năm sau, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi dự án, giao cho CTCP Đầu tư Bất động sản Đô Thành (hiện nay là CTCP Dịch vụ thương mại địa ốc Thiên Nam) làm chủ đầu tư từ tháng 3-2013.

Dù vậy, chủ đầu tư mới cũng không triển khai dự án. Trong khi đó, Thương mại Nha Trang đã làm đơn khiếu nại đến các cơ quan Trung ương. Sau đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục để Thương mại Nha Trang triển khai dự án. Lúc này, UBND tỉnh lại có quyết định thu hồi đất, yêu cầu Địa ốc Thiên Nam bàn giao lại khu đất trên cho chủ đầu tư cũ. Do Địa ốc Thiên Nam không đồng ý, nên đã khởi kiện quyết định của UBND tỉnh. Vụ việc kéo dài nhiều năm nay khiến cho dự án không thể triển khai; khu đất 50 Lê Hồng Phong bỏ hoang, gây lãng phí.

Ở một thương vụ kín tiếng, Vietcomreal còn góp vốn tại CTCP Thủy điện Việt Cường. Theo tìm hiểu, Việt Cường thành lập vào ngày 6/4/2012, Người đại diện theo pháp luật công ty là ông Lại Thế Hà – Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG).

Nhóm Vietcomreal đang làm ăn ra sao?

Trong năm 2019, Vietcomreal (công ty mẹ) thu về 264,6 tỷ đồng doanh thu, giảm 64,1% so với năm 2018. Trừ đi các chi phí, lãi thuần công ty chỉ còn vỏn vẹn 9,6 tỷ đồng, giảm 79,5%.

Xét trong cả giai đoạn 2016-2019, doanh thu thuần Vietcomreal tăng trưởng bình quân gần 8,4%/năm. Trong khi đó, lãi thuần tăng khoảng gần 228%/năm.

Dù lãi thuần tăng trưởng là vậy, nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì chỉ dao động từ vài tỷ đến vài chục tỷ mỗi năm. Con số khá thấp nếu so với quy mô các dự án mà Vietcomreal nắm trong tay.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản tại ngày 31/12/2019 đạt 879,8 tỷ đồng, giảm 2,9% so với số đầu kỳ. Vốn chủ sở hữu 371,2 tỷ, giảm 11,3%. Nợ phải trả 508,6 tỷ, tăng gần 4,3%.

1624072549v-1665463181.jpg

Về các công ty liên quan đến Vietcomreal, dữ liệu của DN&TH cho thấy các công ty này trong năm 2019 không có doanh thu và đều chịu lỗ thuần. Cụ thể, Việt Gia Phú lỗ 13,3 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Kinh doanh Dịch vụ Địa ốc Tân Việt lỗ 33 triệu; Bình Minh Việt lỗ 6 triệu; CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Việt Hưng lỗ 14 triệu; Thành Tạo Chương Dương lỗ 3 triệu.

Trong số này, đáng chú ý nhất là Việt Gia Phú. Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 31/12/2019 đạt 1.956 tỷ đồng, trong đó cấu thành chủ yếu là nợ phải trả 1.722,5 tỷ đồng (chiếm 88%), phần còn lại là vốn chủ sở hữu 233,5 tỷ (chiếm 12%). Tính ra, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Việt Gia Phú đã lên đến 7,37 lần.

1624072794bong60-1665463181.jpg
1624072813bong61-1665463182.jpg
1624072833bong62-1665463181.jpg

Theo Nam An/DNTH
Bạn đang đọc bài viết "Vietcomreal – Doanh nghiệp địa ốc “khủng” kín tiếng tại TP.HCM" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.