‘Viên kim cương’ Doji Tower: ‘Đường đi’ từ Hapro tới tay Tập đoàn DOJI

22/05/2024 19:53

Tòa nhà Doji đình đám, được ví như "viên kim cương" giữa lòng Hà Nội, ban đầu là một dự án được giao cho Hapro.

Những ngày gần đây, giá vàng biến động liên tục cộng với việc những phiên đấu thầu vàng miếng khởi sắc khiến nhà đầu tư quan tâm tới các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc.

Nhắc tới các doanh nghiệp kinh doanh vàng, câu chuyện tòa nhà viên kim cương Doji lại một lần nữa được chú ý.

Doji Tower tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội được ví như là viên kim cương, cũng bởi thiết kế bắt mắt với hình dạng viên kim cương, nằm tại đất vàng giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Doji Tower ngày nay gắn với tên tuổi Tập đoàn DOJI. Tuy vậy, ký ức của những người dân Thủ đô một thời, ở mảnh đất vàng này là một trung tâm Bách hóa.

Đất vàng số 5 Lê Duẩn: ‘Đất vàng’, giao Hapro xây dựng TTTM

Lô đất số 5 Lê Duẩn, quận Ba Đình, Hà Nội tọa lạc ngay tại vị trí đắc địa của Thủ đô Hà Nội, ở ngã ba Lê Duẩn - Nguyễn Thái Học - Điện Biên Phủ. Nơi đây trong ký ức người dân Thủ đô một thời, là “Bách hóa số 5 Nam Bộ”. Lô đất có tổng diện tích 1.624m2, trong đó diện tích xây dựng 1.034,2m2.

Sau bao cấp, cửa hàng bách hóa tổng hợp này được phân về cho Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) quản lý, được tân trang cải tạo, trở thành một siêu thị bề thế mang tên Hapromart, với “mặt ngoài” màu xanh đặc trưng của Hapro.

920240520001545-1716382085.jpg

Siêu thị Hapormart trước đây - Ảnh: Internet

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm. Tồn tại nhiều năm, vị trí đất vàng Hapromart được dự kiến "thay đổi bộ mặt", thiết kế một dự án mới. Do Hapro là doanh nghiệp vốn Nhà nước, do vậy, để làm dự án mới tại lô đất vàng này, giao cho Hapro là hợp lý nhất.

Ngày 30/3/2010, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi đất số 5 Lê Duẩn để giao cho Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuê, thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp.

Thời gian cho thuê đất 50 năm tính từ 1/4/2008 - ngày UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Theo thiết kế, dự án gồm 3 tầng hầm, 9 tầng nổi và 1 tum, tổng mức đầu tư khoảng 222 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 2 năm (tháng 7/2012), được bố trí làm trung tâm thương mại và văn phòng.

Theo các giấy tờ kèm theo, Tổng công ty Thương mại Hà Nội được miễn giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án đến hết 31/12/2015.

screenshot-2024-05-20-at-00305320240520003108-1716382085.png

Dự án Trung tâm Thương mại và Dịch vụ tổng hợp của Hapro "treo" nhiều năm - Ảnh Internet

Con đường đưa "đất vàng" từ Hapro tới tay Doji

Công trình xây thô của dự án đã lên được 3 tầng hầm, 9 tầng nổi và 1 tum theo thiết kế thì dừng thi công, chủ đầu tư Hapro làm thủ tục xin điều chỉnh quy mô dự án.

Ngày 27/12/2012, UBND thành phố Hà Nội nhận được công văn của Hapro, đề nghị được hợp tác đầu tư dự án. Đối tác được Hapro giới thiệu để hợp tác đầu tư là Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI.

Căn cứ hợp đồng hợp tác đầu tư được ký từ tháng 3/2012 giữa DOJI và Hapro thì:

- Hapro được khai thác, sử dụng toàn bộ diện tích sàn tầng 4, sàn tầng hầm 1 và sàn tầng hầm 3 của tòa nhà. Đồng thời, Hapro nhận một khoản tiền phí tham gia hợp tác kinh doanh (chưa bao gồm VAT) từ DOJI. Tiền phí này là 134 tỷ đồng.

- Theo quy định tại hợp đồng, trường hợp dự án được cơ quan chức năng cho phép điều chỉnh quy mô đầu tư xây dựng, công năng, hoặc thiết kế, thì Tập đoàn DOJI chịu mọi chi phí cho việc thay đổi, đồng thời được hưởng lợi ích bổ sung. Điều quan trọng trong hợp đồng này là quyền của Hapro sẽ là cố định.

Sau khi hợp đồng hợp tác này được ký, DOJI xúc tiến quá trình xin điều chỉnh dự án từ 3 tầng hầm, 9 tầng nổi và 1 tum lên 3 tầng hầm, 16 tầng nổi và 1 tum.

920240520003538-1716382085.jpg

Thiết kế mới của công trình trên "đất vàng" số 5 Lê Duẩn

Suốt trong năm 2014 là các công văn qua lại giữa các bên với các cơ quan chức năng liên quan về việc hợp tác đầu tư, điều chỉnh quy mô dự án, về phương án góp vốn hợp tác kinh doanh và thực hiện đầu tư xây dựng tòa nhà.

Tháng 3/2015 cả Hapro và Tập đoàn DOJI đã có công văn xin phép điều chỉnh quy hoạch quy mô dự án.

Tháng 6/2017, Hapro và DOJI đã chính thức phê duyệt bản vẽ thi công điều chỉnh dự án tại số 5 Lê Duẩn. Đến tháng 8/2017, hai bên đã có tờ trình liên sở về việc hợp tác kinh doanh đầu tư tại số 5 Lê Duẩn.

Tháng 10/2017, Sở Xây dựng Hà Nội chính thức có phụ lục điều chỉnh giấy phép xây dựng số 91, ngày 15/7/2010, theo đó, điều chỉnh chiều cao công trình lên 16 tầng, chưa bao gồm sàn lửng để xe tại hầm B3 do Tập đoàn Doji đầu tư bằng kinh phí của mình.

Về tay DOJI, tháng 9/2019 tòa nhà kim cương chính thức khai trương với tên mới Doji Tower.

screenshot-2024-05-20-at-00085220240520001422-1716382085.png

Doji Tower - biểu tượng của Tập đoàn DOJI

Doji Tower được giới thiệu với một diện mạo mới, như một “viên kim cương” đúng nghĩa. Sau điều chỉnh, diện tích sử dụng đã lên tới 19.000m2, trong đó từ tầng 1-5 được thiết kế trở thành trung tâm mua sắm.

Doji Tower là trụ sở chính của Tập đoàn DOJI, cũng là trung tâm vàng bạc đá quý và trang sức lớn trong nước. Trang chủ DOJI giới thiệu, ngày 06/10/2022, Doji Tower Hà Nội của Tập đoàn DOJI được xác lập kỷ lục là tòa nhà hình viên kim cương lớn nhất Châu Á do Asia Book of Records đánh giá.

Như vậy, "con đường" đưa đất vàng số 5 Lê Duẩn từ tay Hapro tới tay Tập đoàn DOJI, được "trải" bằng một hợp đồng hợp tác. Với các điều khoản trên hợp đồng, ngoài việc nhận về số tiền đã nhận, được kinh doanh mấy sàn thương mại thì Hapro gần như đã đưa hoàn toàn lô đất của Nhà nước "sang tay" DOJI.

Bạn đang đọc bài viết "‘Viên kim cương’ Doji Tower: ‘Đường đi’ từ Hapro tới tay Tập đoàn DOJI" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.