Tồn kho bất động sản của Tập đoàn Lê Phong tăng mạnh, áp lực nợ vay lớn

21/07/2023 07:20

Tập đoàn Lê Phong được biết đến với câu chuyện bán nhà ở xã hội giá cao bằng nhà ở thương mại tại tỉnh Bình Dương. Kết thúc năm 2022, tập đoàn này đang đối diện với nhiều khó khăn: doanh thu sụt giảm, hàng tồn kho tăng mạnh, trong khi đó nợ vay tài chính doanh nghiệp đang tiệm cận con số 1.000 tỉ đồng.

nha-o-xa-hoi-1689898748.jpg

Dự án nhà ở xã hội ở Bình Dương được bán với giá thương mại do Tập đoàn Lê Phong là đơn vị phát triển. Ảnh: Đình Trọng

Xây nhà ở xã hội, bán giá như nhà ở thương mại

Như Lao Động đã thông tin, Dự án nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp, Bình Dương do Công ty TNHH Kinh doanh và phát triển nhà Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, Tập đoàn Lê Phong là đơn vị phát triển dự án.

Được biết, Công ty TNHH Kinh doanh và phát triển nhà Toàn Thịnh Phát (Công ty Toàn Thịnh Phát) được thành lập vào tháng 6.2018 tại phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Cập nhật tại tháng 3.2021, vốn điều lệ Công ty Toàn Thịnh Phát đạt 239 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm ông Bùi Ngươn Phong nắm giữ đến 90%, ông Nguyễn Quang Kiên sở hữu 10% còn lại. Ông Phong đồng thời đảm nhiệm vai trò giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty Toàn Thịnh Phát.

Ngoài ra, ông Bùi Ngươn Phong còn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong (Tập đoàn Lê Phong). Tại thời điểm tháng 3.2020, vốn điều lệ Tập đoàn Lê Phong đạt 568 tỉ đồng, trong đó ông Phong nắm giữ tới 90% cổ phần công ty. Như vậy, có thể thấy, mối quan hệ “thân mật” giữa đơn vị phát triển và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội này.

Về câu chuyện giá bán quá cao ở Dự án nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp, đại diện Tập đoàn Lê Phong cho biết, dự án có 80% số căn hộ là nhà ở xã hội và 20% số căn hộ là nhà ở thương mại. Giá bán căn hộ tại Dự án Nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt và được chủ đầu tư xây dựng theo phân khúc nhà ở xã hội cao cấp.

Theo phản ánh của người lao động, khi họ liên hệ tìm mua Dự án nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp thì được giới thiệu căn hộ 1 phòng ngủ khoảng 38 m2 có giá từ 930 triệu đến 1,1 tỉ đồng; căn hộ 60 m2 có 2 phòng ngủ giá khoảng 1,8 tỉ đồng mỗi căn. Nhiều người lao động ngỡ ngàng với mức giá trên vì quá cao.

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, về quản lý giá bán và đối tượng mua, theo đại diện Sở Xây dựng, giá bán nhà ở xã hội quy định tại Nghị định 49 năm 2021 của Chính phủ. Theo đó, chủ đầu tư phải trình lên UBND tỉnh để thẩm định và phê duyệt giá bán. Đại diện Sở Xây dựng Bình Dương cho hay, giá rao bán đối với Dự án nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp hiện nay mới là giá tạm tính. Sau khi công trình hoàn thành, thanh quyết toán khối lượng thi công, trừ khấu hao ra để tính lại giá nhà, khi đó mới có giá chính thức.

Nợ vay và tồn kho tăng mạnh

Tập đoàn Lê Phong còn được biết đến là chủ đầu tư dự án The Emerald Golf View (mặt tiền đại lộ Bình Dương, P. Lái Thiêu, TP. Thuận An, Bình Dương). Tuy nhiên, trong năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận bức tranh tài chính nhiều khó khăn.

Cụ thể, dữ liệu riêng lẻ mới nhất của Tập đoàn Lê Phong cho thấy, trong năm 2022, hàng tồn kho của Tập đoàn Lê Phong còn khoảng 2.086 tỉ đồng, tăng thêm 54% so với cùng kì và chiếm đến 65% tổng tài sản doanh nghiệp (3.186 tỉ đồng).

Ở phía đối diện, nợ vay tài chính cũng nhanh chóng “phình to” từ hơn 600 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2021 lên 945 tỉ đồng vào cuối năm 2022. Tương ứng, nợ vay tài chính doanh nghiệp tăng thêm 54% sau 12 tháng.

Trong năm 2022, tiền thu từ đi vay của Tập đoàn Lê Phong là 420 tỉ đồng, trong khi năm 2021 chỉ là 237 tỉ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp chỉ thu xếp được hơn 88 tỉ đồng tiền trả nợ gốc đi vay, ít hơn rất nhiều so với số tiền nợ gốc đi vay đã trả là khoảng 185 tỉ đồng năm trước đó.

Cụ thể, trong năm 2021, nợ vay tài chính tại Tập đoàn Lê Phong khoảng hơn 600 tỉ đồng, toàn bộ là nợ vay ngắn hạn, chiếm 35% tổng nợ phải trả công ty. Thế nhưng bước sang năm 2022, nợ vay tại Tập đoàn Lê Phong khoảng 945 tỉ đồng, tăng hơn 300 tỉ đồng sau 1 năm và chiếm đến 47% tổng nợ phải trả.

Khó khăn của Tập đoàn Lê Phong còn thể hiện rõ ở điểm: doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 92 tỉ đồng trong năm 2022, giảm đến 87% so với năm 2021. Doanh thu giảm là nguyên nhân chính khiến Tập đoàn Lê Phong lỗ sau thuế gần 12 tỉ đồng năm 2022, trong khi năm trước đó doanh nghiệp lãi sau thuế hơn 20 tỉ đồng. Trong bối cảnh lãi suất cao, thị trường bất động sản đóng băng trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2023, có thể thấy áp lực trong việc cải thiện doanh thu để gánh cho chi phí lãi vay là bài toán không đơn giản.

Theo BẢO CHƯƠNG - ĐÌNH TRỌNG/LĐ
Bạn đang đọc bài viết "Tồn kho bất động sản của Tập đoàn Lê Phong tăng mạnh, áp lực nợ vay lớn" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.