Theo dõi huyết áp - Bạn đã làm đúng cách chưa?

08/11/2022 08:26

Tần suất người tăng huyết áp ngày càng tăng cao, nếu không có biện pháp dự phòng hữu hiệu thì số người bệnh sẽ tăng lên con số 10 triệu người và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Tập 27 chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày vừa lên sóng trên kênh THVL1. MC Ngọc Nhi làm nhiệm vụ kết nối với chuyên gia là Thạc sĩ  - Bác sĩ Đặng Thanh Huy, chuyên khoa nội Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Chương trình tuần này sẽ giúp khán giả có thêm kiến thức thường xuyên theo dõi huyết áp hiệu quả.

Bắt đầu với tình huống tuần này, người vợ đặt mua máy đo huyết áp trên mạng về dùng và muốn đo ngay cho chồng sau khi tập thể dục về. Lúc này, người hàng xóm đến chơi và ngăn cản vì cho rằng sau khi tập thể dục thì không thích hợp để đo huyết áp. Hai vợ chồng không đồng ý mà nhất quyết đo huyết áp nên quyết định tìm đến chuyên gia để hiểu hơn về chủ đề này.

Là chuyên gia xuất hiện trong chương trình tuần này, Bác sĩ Đặng Thanh Huy cho biết: “Tình trạng tăng huyết áp có các triệu chứng thông thường như: nóng phừng mặt, đau đầu, mỏi vai gáy,.. Tuy nhiên, nếu áp lực máu trên thành động mạch tăng lên và gây vỡ động mạch sẽ gây ra biến chứng tăng huyết áp ngay”.

screenshot-2022-11-06-160850-1667870735.jpg

Một số biến chứng của tăng huyết áp như: Ở hệ tim mạch có thể gây suy tim, nhồi máu cơ tim; Trên não có thể bị tai biến mạch máu não, xuất huyết não; hoặc suy thận, bong võng mạc hay mù lòa nếu vỡ mạch máu ở đáy mắt. Trên các cơ quan khác có thể gây tắt động mạch ngoại biên, rối loạn cương dương, thậm chí là đột quỵ dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Đặng Thanh Huy nói thêm: “Yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp mà không thay đổi được như: Tuổi cao, tiền sử gia đình, hay người mắc bệnh nền như đái tháo đường, bệnh thận, tiền sản giật,… Nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được gồm: hút thuốc lá, thừa cân béo phì, căng thẳng, sử dụng thức uống có cồn hay thiếu vận động thể chất, chế độ dinh dưỡng thiếu rau, thiếu chất xơ, nhiều chất béo và ăn quá mặn”.

Chuyên gia nói thêm, việc tự đo huyết áp tại nhà là điều đúng đắn nhưng phải là bất cứ thời điểm nào cũng đo được. “Huyết áp không phải là con số cố định và nó thay đổi theo hoạt động của cơ thể. Đo huyết áp sau khi vận động, tập thể dục thì huyết áp tăng cao là điều bình thường. Muốn xác định có tăng huyết áp không thì cần phải kiểm tra lúc huyết áp nghỉ ngơi và nên đo ở một thời điểm cố định trong ngày”.

screenshot-2022-11-06-160751-1667870735.jpg

Đặc biệt, bác sĩ còn đưa ra lưu ý về cách đo huyết áp tại nhà hiệu quả: Người cần đo phải nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5-10 phút trước khi đo; Không dùng chất kích thích (cà phê, rượu, bia) trước khi đo 2 giờ; Không tập thể dục hay vận động trong ít nhất 30 phút trước khi đo; Nên đo ở  tư thế ngồi, băng đo cách khủy tay 2cm; Không nên quấn băng quá chặt, để ngang mức tim; Người cao tuổi, người bệnh đái tháo đường nên đo thêm huyết áp tư thế đứng; Các thiết bị đo cần được kiểm tra chuẩn định kỳ; Không nên nói chuyện khi đang đo; Nên đo huyết áp 2 lần/ngày (sáng và tối).

Đón xem chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày phát sóng lúc 16h thứ 2 hàng tuần trên kênh THVL1, được đồng hành bởi công ty TNHH Novartis Việt Nam cùng hệ thống nhà thuốc Trung Sơn - Trung Sơn Pharma. Chương trình do Công ty Truyền Thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết "Theo dõi huyết áp - Bạn đã làm đúng cách chưa?" tại chuyên mục Khỏe - Đẹp. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.