Tăng trưởng âm 3 năm liên tiếp, Hà Đô sẽ làm gì để thoát đáy?

08/04/2024 09:24

Kết thúc năm 2023, Hà Đô tiếp tục ghi nhận doanh thu sụt giảm, lợi nhuận sau thuế thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Điều này đặt ra nhiều nghi ngại về khả năng hồi phục của doanh nghiệp trong năm 2024, nhất là khi các dự án gối đầu của Hà Đô đều trong tình trạng dang dở.

Doanh thu giảm 19%, lợi nhuận giảm 33%

Năm 2023 được kỳ vọng là năm sẽ lấy lại "phong độ" của Tập đoàn Hà Đô (HDG) nhờ vào việc mở bán dự án Hado Charm Villas – một trong những dự án trọng điểm của Tập đoàn.

Tuy nhiên, do dự án bị hoãn mở bán sang đến năm 2024 nên doanh thu mảng kinh doanh bất động sản của Tập đoàn Hà Đô trong năm qua chỉ đạt 281 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ. Cùng với đó, kết quả kinh doanh từ mảng chủ lực khác là năng lượng cũng không có sự đi lên, chỉ đạt 1.938 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 2.115 tỷ đồng, giảm 8%.

Điều này đã kéo doanh thu thuần của doanh nghiệp chỉ ghi nhận 2.889 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 19%, thấp nhất trong 6 năm qua. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, Hà Đô tăng trưởng âm về doanh thu (năm 2021 giảm 24%; năm 2022 giảm 31%).

Khi doanh thu sụt giảm mạnh, lợi nhuận doanh nghiệp cũng không thể ghi nhận kết quả tốt. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của HDG đạt 866,2 tỷ đồng, giảm 36% so với năm 2023 và là mức lãi sau thuế thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Như vậy, so với kế hoạch doanh thu là 3.225 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 971 tỷ đồng, Hà Đô chỉ hoàn thành được 89% kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, tính đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp cũng giảm hơn 650 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, đạt 14.438 tỷ đồng.

Dự án gối đầu đều dang dở

Ngay từ khi thành lập – năm 1990, Hà Đô đã xác định trở thành một Tập đoàn phát triển đa ngành, trong đó bất động sản và năng lượng là hai mảng kinh doanh chủ lực.

Tuy nhiên, khác với doanh thu ngày càng đi lên của mảng năng lượng thì từ năm 2021 đến nay, doanh thu mảng kinh doanh bất động sản của Hà Đô đã bộc lộ rõ sự suy yếu.

Năm 2020, Hà Đô ghi nhận doanh thu kinh doanh bất động sản đạt 3.058 tỷ đồng nhưng sang đến năm 2021, doanh thu mảng này đã giảm 35%, chỉ còn 1.975 tỷ đồng. Đến năm 2022, doanh thu kinh doanh bất động sản tiếp tục giảm, chỉ còn 1.111 tỷ đồng và về mức thấp nhất 281 tỷ đồng vào năm 2023.

screenshot-1-1712542930.jpg

Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp cũng chỉ còn dự án Hado Charm Villas (Hoài Đức, Hà Nội) đủ điều kiện để mở bán, còn lại hầu hết các dự án gối đầu cho những năm tiếp theo đều ở trạng thái dang dở từ pháp lý cho đến xây dựng.

Đơn cử như dự án Hado Green Lande (Quận 8, TP.HCM), dự Hado Linh Trung (Thủ Đức, TP.HCM) mới chỉ phê duyệt quy hoạch 1/2000 và đang vướng pháp lý trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hay dự án Khu hỗn hợp Dịch Vọng Complex (Cầu Giấy, Hà Nội), dự án Noongtha Central Park (Viêng Chăn, Lào) thì mới hoàn thiện phê duyệt quy hoạch 1/500…

Như vậy, doanh thu từ mảng kinh doanh bất động sản của Hà Đô trong năm 2024 chỉ có thể nhìn vào dự án duy nhất là Hado Charm Villas. Tuy nhiên, mức đóng góp của dự án này vào kết quả kinh doanh của Hà Đô sẽ không lớn do Công ty đã cơ bản hoàn thành bàn giao, hiện dự án chỉ còn mở bán giai đoạn 3.

Năm 2024 dự không dễ dàng

Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024, Ban lãnh đạo Hà Đô cho biết, Tập đoàn đang đề ra kế hoạch lợi nhuận hợp nhất năm nay với mức tăng trưởng khoảng 20 - 25% so với năm 2023. Thời gian tới, doanh nghiệp cũng định hướng phát triển trọng tâm vào lĩnh vực bất động sản và năng lượng, đẩy mạnh M&A các dự án mới. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai M&A các dự án bất động sản khu đô thị, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh đầu tư các dự án khu công nghiệp tại các tỉnh miền Bắc (Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh...), mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, mới đây Hà Đô đã có công văn gửi tới Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận về việc đề xuất chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và thực hiện các thủ tục pháp lý đăng ký làm chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2, với quy mô mỗi cụm công nghiệp là 50ha.

Trong bối cảnh dòng vốn FDI đang đổ mạnh vào Việt Nam, việc "lấn sân" sang mảng bất động sản công nghiệp được xem là định hướng phù hợp với xu thế thị trường, có khả năng sẽ đem lại dòng tiền lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ đang là câu chuyện ở tương lai, còn trong năm 2024, Hà Đô vẫn chưa thể ghi nhận doanh thu từ việc phát triển loại hình này.

Như đã phân tích, Hà Đô sẽ chỉ còn dự án Hado Charm Villas để "ăn dần" trong thời gian tới. Vì vậy, doanh thu ở mảng kinh doanh bất động sản sẽ không có nhiều cải thiện.

kvl0301-1709012459309298641491-0-0-1000-1600-crop-17090124655311947400815jpg-1712484397136764315769-1712542934.jpg

Dự án Hado Charm Villas của Tập đoàn Hà Đô dự kiến mở bản giai đoạn III vào cuối năm nay. (Ản HDG)

Với mảng năng lượng, Hà Đô chưa có động thái về việc mở rộng quy mô, các dự án đang theo đuổi vẫn đang trong tình trạng chưa thể đóng góp vào doanh thu, hoặc chỉ dừng lại ở nghiên cứu. Chính vì vậy, năm 2024 khả năng Hà Đô vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do doanh thu từ hoạt động kinh doanh ở hai mảng cốt lõi vẫn sẽ hạn chế./.

Bạn đang đọc bài viết "Tăng trưởng âm 3 năm liên tiếp, Hà Đô sẽ làm gì để thoát đáy?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.