OCB hút 4.500 tỷ đồng trái phiếu giữa lúc nợ xấu lên 'ngưỡng trần'

04/01/2024 07:13

Vào những ngày cuối năm, OCB liên tục hút đến 4.500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 2 năm.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB).

Cụ thể, vào ngày 22/12, OCB phát hành thành công lô trái phiếu OCBL2326016 trị giá 500 tỷ đồng. Trong 2 ngày 25/12 và 26/12, ngân hàng này tiếp tục phát hành thêm 2 mã OCB2325017 và OCBL2326018 với giá trị lần lượt 3.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của 3 lô trái phiếu là 4.500 tỷ đồng.

OCB2325017 có kỳ hạn 2 năm, trong khi OCB2325016 và OCB2325018 có thời hạn 3 năm, cùng được phát hành trong nước với lãi suất phát hành từ 5% - 5,1%.

OCB là một trong những nhà phát hành trái phiếu lớn trong năm 2023. Tính cả năm, ngân hàng có 18 đợt phát hành, huy động về 21.850 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, OCB cũng tích cực mua lại trái phiếu trước hạn khi có tổng cộng 15 lần thực hiện điều này với giá trị 12.900 tỷ đồng. Các lô trái phiếu cùng có thời hạn 3 năm và được phát hành trong năm 2021 và 2022.

ocb-hut-4500-ty-dong-trai-phieu-giua-luc-no-xau-len-nguong-tran-1704327158.jpg

 OCB liên tục hút trái phiếu trong những ngày cuối năm.

Xử lý được nợ của FLC và Đại Nam nhưng nợ xấu tăng vượt ngưỡng trần

Quý 3/2023, OCB báo lợi nhuận đạt 1.355 tỷ đồng, tăng đến 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế tại OCB đạt 3.915 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản của OCB tại ngày 30/9 tăng 11,7% so với hồi đầu năm, đạt gần 216.800 tỷ đồng. Trong đó, số dư cho vay khách hàng tăng 9,8%, lên gần 131.500 tỷ đồng.

Bên cạnh tăng trưởng lợi nhuận và cho vay khách hàng, chất lượng cho vay là điều đáng quan tâm đối với OCB. Bởi lẽ, cả 3 nhóm nợ xấu của OCB đều tăng sau 9 tháng khiến tổng nợ xấu của OCB đến thời điểm 30/9 gần 5.000 tỷ đồng.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất và chiếm đa số trong tổng nợ xấu. Cuối quý 3, tỷ lệ nợ xấu của OCB đang ở mức 3,8%.

Thực tế, vấn đề nợ xấu của OCB đã nổi lên khi kết thúc quý 1/2023, thời điểm đó, mặc dù OCB công bố đã xử lý được nợ của FLC và Đại Nam tuy nhiên số dư nợ xấu tính đến cuối quý 1/2023 của nhà băng này đã tăng 51% so với đầu năm, lên gần 4.045 tỷ đồng.

Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tại OCB tăng 54%, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 55% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 49%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng đã bị kéo tăng từ 2,2% lên 3,3% - thuộc top cao nhất hệ thống.

Liên quan đến các khoản nợ tại OCB, nhà băng này từng gây xôn xao với các khoản nợ của hai doanh nghiệp lớn là Đại Nam và FLC. Cụ thể, tại ĐHCĐ thường niên của OCB được tổ chức hồi tháng 4.2022, lãnh đạo OCB từng cho biết, tổng dư nợ nhà băng này cho Tập đoàn Đại Nam của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng vay là trên 1.000 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, Đại Nam đã trả được cho OCB 450 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, OCB cũng đang là một trong ba ngân hàng cho FLC vay nhiều nhất. Đến hết quý 1.2022, FLC ghi nhận khoản vay ngắn hạn khoảng 713 tỷ đồng tại OCB và 817 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho nhà băng này.

Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên năm 2023, cổ đông OCB đã chất vấn ban lãnh đạo về khoản vay của FLC và Đại Nam. Đại diện ngân hàng cho hay, toàn bộ danh mục nợ của hai doanh nghiệp nói trên đã thu hồi xong.

Bạn đang đọc bài viết "OCB hút 4.500 tỷ đồng trái phiếu giữa lúc nợ xấu lên 'ngưỡng trần'" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.