NCB: Trầy trật xử lý nợ xấu nhưng vẫn bị kiểm toán ‘réo’ tên, hoạt động tái cơ cấu vẫn chưa xong

01/07/2020 10:15

Công ty TNHH kiểm toán AFC Việt Nam (AFC) đưa ra một loạt lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Công ty TNHH kiểm toán AFC Việt Nam (AFC) đưa ra một loạt lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB), tại ngày 31/03/2020, NCB có tổng tài sản giảm 12% so với đầu năm, về mức hơn 70.458 tỷ đồng, chủ yếu do tiền, vàng gửi tại các TCTD khác và cho vay các TCTD khác giảm mạnh 72%, còn hơn 4.276 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cho vay khách hàng vẫn ở mức gần 37.807 tỷ đồng, đi ngang so với mức của đầu năm. Các khoản lãi, phí phải thu tăng 8%, lên mức 3.396 tỷ đồng.

Đến ngày 31/3/2020, tiền gửi của khách hàng tại NCB chỉ tăng nhẹ 2% so với đầu năm, lên mức 60.547 tỷ đồng. Ngược lại, tiền gửi và vay các TCTD khác và phát hành giấy tờ có giá lần lượt giảm 85% và 34% so với đầu năm, còn gần 1.828 tỷ đồng và hơn 1.784 tỷ đồng.

Nhờ ngân hàng tái cơ cấu danh mục chp vay, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng nên cuối tháng 3/2020, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,2%. Lưu ý, nợ nhóm 5 ( nợ có khả năng mất vốn)  – nhóm nợ nguy hiểm nhất tại NCB lại tăng 29% so với đầu năm, lên mức hơn 603 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2020 tại NCB.

Tuy nhiên mới đây, Công ty TNHH kiểm toán AFC Việt Nam (AFC) đưa ra một loạt lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Theo đó, AFC nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đến tình hình nợ xấu của NCB. Cụ thể, công ty kiểm toán cho biết các thuyết minh về chính sách kế toán đối với cho vay khách hàng, hoạt động mua bán nợ, về chính sách kế toán bán nợ cho VAMC theo Nghị quyết 42. Việc ghi nhận các khoản chênh lệch giữa bán nợ với giá gốc, thoái lãi dự thu của các khỏan nợ đã bán trước ngày 31/12/2016 sẽ được phân bổ dần vào kết quả kinh doanh với mức tối thiểu bằng với chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh năm.

Bên cạnh đó, việc ghi nhận các khoản đầu tư dài hạn, vốn chủ sở hữu, khoản lợi nhuận chưa phân phối, phân loại nợ vay, trích lập dự phòng cụ thể, dự phòng đầu tư của các khách hàng cũ, các khoản khác trước giai đoạn tái cấu trúc sẽ dược xử lý dần theo năng lực tài chính của Ngân hàng đến năm 2028. Các chính sách này nằm trong đề án tái cơ cấu lại ngân hàng đã được phê duyệt cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, Công ty kiểm toán AFC Việt Nam cũng lưu ý các khoản lãi dự thu của khoản nợ xấu đã bán cho các tổ chức mua bán nợ đã ghi nhận từ ngày 1/1/2017 đến nay không thỏa điều kiện quy định tại Nghị quyết 42 về thí điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đã được lập kế hoạch thoái trong “phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xáu giai đoạn 2019 – 2020” của ngân hàng. Tính đến cuối tháng 12/2019, khoản lãi dự thu của NCB đạt 3.151 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm trước đó.

NCB là một trong số những tổ chức tín dụng bị buộc phải tiến hành tái cơ cấu. Thay vì sáp nhập, năm 2014, ngân hàng chọn phương án tự tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hướng bán lẻ. Tuy nhiên, đến nay hoạt động tái cơ cấu tại NCB vẫn chưa hoàn thành khi các khoản nợ xấu vẫn cần xử lý đặc biệt theo đề án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

NCB tiền thân là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank). Năm 2010, 100 triệu CP Navibank chính thức niêm yết trên HNX với giá 11.900 đồng/CP. 10 năm qua, cổ phiếu NVB giá rẻ như rau và ngày càng mất phong độ với nhiều đáy mới được thiết lập.

Năm 2016, mức giá 5.200 đồng/CP được coi là “đáy” kể từ khi Navibank niêm yết. Từ đầu năm 2020 đến nay, cổ phiếu NVB giao động quanh mức 9.000 – 8.000 đồng/cp.

Giá cổ phiếu NVB đi xuống không phải là điều khó hiểu với giới đầu tư. Cuối năm 2013, khi nhóm cổ đông mới mua lại Navibank và đổi tên thành NCB, nhà băng này đã phải vật lộn một thời gian dài để thoát khỏi “bảng tử thần” khi nằm trong nhóm 9 ngân hàng phải tái cơ cấu. Việc tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề về nợ xấu, quản trị rủi ro… của Navibank trước đây đã khiến NCB thực sự oằn vai.

Việc giá cổ phiếu chìm sâu dưới mệnh giá khiến NCB rất khó thành công trong việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Vì vậy, bao giờ thị giá cổ phiếu tại NVB trên 10.000 đồng/cp vẫn là câu hỏi chưa có hồi đáp?

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/6, cổ phiếu NVB đã đánh mất 0.200 đồng (-2,3%) xuống giá 8.600 đồng.

Nguồn: CafeF

LÊ TUẤN -  Theo Doanh nghiệp & Đầu tư

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "NCB: Trầy trật xử lý nợ xấu nhưng vẫn bị kiểm toán ‘réo’ tên, hoạt động tái cơ cấu vẫn chưa xong" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.