MBBank (MBB): Nợ xấu phình to, "ôm" 2 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp

14/06/2023 14:04

Tính đến cuối quý 1/2023, MB là ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất hệ thống với 45.470 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD).

Báo cáo tài chính quý 1/2023 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) cho thấy, tại thời điểm 31/3, tổng nợ xấu của MB là 8.453 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh, riêng nợ nhóm 5 giảm.

Tỷ lệ nợ xấu của MB tại thời điểm cuối tháng 3/2023 là 1,77%, tăng khá mạnh so với mức 1,1% cuối năm ngoái. Nợ xấu tại MB có nguy cơ còn gia tăng do tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đang tăng rất nhanh, gấp 2,1 lần cuối năm ngoái, lên mức 16.675 tỷ đồng.

mbbb20230612114052-1686726083.jpg

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của MB.

Nợ xấu phình to tuy nhiên ngân hàng không tăng trích lập dự phòng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh xuống còn 138%. Con số bao phủ nợ xấu của ngân hàng hồi cuối năm 2022 là hơn 238%.

Bên cạnh đó, MB cũng gây chú ý khi là nhà băng đang nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất hệ thống. Cụ thể, tính đến cuối quý 1/2023, MB đang nắm giữ 45.470 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), giảm nhẹ khoảng 3% so với 46.870 tỷ đồng ghi nhận cuối năm 2022.

Trong đó, chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành có giá trị trên 42.341 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Đây là các trái phiếu có kỳ hạn từ 33 tháng đến 15 năm và có lãi suất từ 3,79% đến 10,5%/năm. Ngoài ra, MB còn có hơn 3.100 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành (đến ngày đáo hạn) có kỳ hạn từ 4 năm đến 10 năm lãi suất từ 8,9% đến 10,5%/năm.

tpdn20230612141934-1686726083.jpg

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC các ngân hàng

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa qua, nhiều cổ đông lo ngại về chất lượng dư nợ cũng như rủi ro của việc ngân hàng nắm giữ quá nhiều trái phiếu. Các cổ đông yêu cầu HĐQT ngân hàng chỉ rõ quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu trong bối cảnh các nhà phát hành này đang có vấn đề về năng lực trả nợ.

Trả lời cổ đồng thời điểm đó, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cho biết, các khoản cho vay bất động sản phục vụ mục đích kinh doanh chiếm 7,8% dư nợ cho vay và sẽ kiểm soát tỷ lệ này ở mức khoảng 8%.

Với Hưng Thịnh, MB không cho vay dự án không sở hữu trái phiếu, có dư nợ về lĩnh vực xây lắp nhưng không nhiều. Về phía Trung Nam, dư nợ của doanh nghiệp này đang được trả nợ đầy đủ. Do đó, sẽ không có nợ xấu trong thời gian tiếp theo.

Riêng với Novaland, MB khẳng định đây vẫn là đối tác cho vay bất động sản lớn của ngân hàng. Hiện tại, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. Tuy nhiên, MB quản lý đánh giá dự án cụ thể, tính đến hiện tại số dư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm.

Thực tế MB vẫn là một trong 4 chủ nợ lớn nhất của Novaland. Tính tới cuối quý 1/2023, tổng dư nợ tín dụng của MB cho Novaland gần 8.000 tỷ đồng (giảm 16% so với quý 4/2022), mức này tương đương 1% tổng tài sản của MB.

Dù chiếm tỷ trọng lớn, trong kế hoạch năm 2023 của MB dự kiến sẽ không có bất kỳ khoản nợ xấu nào phát sinh từ những đối tác lớn trên trong năm nay, do đại diện ngân hàng rằng vấn đề lớn nhất trong mảng bất động sản là pháp lý chứ không phải năng lực tài chính của các chủ đầu tư và Chính phủ đang nỗ lực giải quyết vấn đề này.

Theo Hoàng Yến/ĐT
Bạn đang đọc bài viết "MBBank (MBB): Nợ xấu phình to, "ôm" 2 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.