Dự án KDC Bella Vista: Không phải chủ đầu tư, Trần Anh vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng với khách hàng?

19/12/2023 07:14

Công ty Hồng Đạt là chủ đầu tư dự án khu dân cư Bella Vista, tuy nhiên Trần Anh Group lại là đơn vị đứng ra ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với khách hàng. Vì đâu lại có câu chuyện bất cập này?

Mua đất gần 1 thập kỷ chưa được cấp sổ

Mới đây, trong đơn gửi đến báo Kinh tế và Đô thị, hàng trăm nhà đầu tư tại dự án khu dân cư, nhà ở công nhân và chuyên gia nằm tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (tên thương mại Bella Vista) bức xúc tố chủ đầu tư có dấu hiệu lừa dối, bởi họ mua đất đã hơn 7 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng).

Theo người dân, dự án Bella Vista do Công ty Cổ phần Hồng Đạt – Long An (Công ty Hồng Đạt) là chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trần Anh Long An (Trần Anh Group) là đơn vị phát triển dự án. Mở bán từ năm 2016, Công ty Hồng Đạt cam kết sau khi thanh toán 95% giá trị lô đất, nhà đầu tư sẽ được cấp sổ hồng. Tuy nhiên, khi khách hàng hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì dự án vẫn chưa thể ra được sổ.

anhanh-1702944700.jpg
Cư dân dự án Bella Vista căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư và Trần Anh Group bàn giao sổ hồng. Ảnh: Người dân cung cấp

Chia sẻ với PV báo Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Sử cho biết, năm 2016, do có nhu cầu về nhà ở bà đã mua nền đất 100 m2, giá 462 triệu đồng thuộc dự án Bella Vista. Sau khi thanh toán đủ 95% giá trị hợp đồng, bà nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư để nhận sổ hồng nhưng bị hẹn hết lần này đến lần khác: “Tôi mua đất từ năm 65 tuổi, nay tôi đã 73 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời vẫn chưa nhận được sổ, giờ tôi muốn xây nhà cũng không được, mà muốn bán đất cũng không xong” - bà Sử tuyệt vọng.

Chung cảnh ngộ, anh Hoàng Duy Tuân một người cũng mua đất nền thuộc dự án Bella Vista cho biết, những năm qua anh nhiều lần yêu cầu lãnh đạo Công ty Hồng Đạt đối thoại về việc chậm trễ ra sổ hồng, song doanh nghiệp này liên tục hứa hẹn rồi thất hẹn, không thể chốt thời gian bàn giao sổ cho khách hàng.

“Không còn niềm tin với Công ty Hồng Đạt, tôi và hàng trăm nhà đầu tư khác đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng tỉnh Long An nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng" – anh Tuân nói và nhấn mạnh, người mua đất nền dự án Bella Vista như đang “ngồi trên đống lửa” vì lo sợ mất trắng tài sản.

“Cùng là “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại dự án Bella Vista, có người ký với chủ đầu tư, có người lại ký với Trần Anh Group. Chỉ là đơn vị phát triển dự án, Trần Anh Group căn cứ vào đâu để làm sổ hồng cho khách hàng?” – anh Tuân đặt vấn đề.

Tự “vẽ” dự án để bán đất?

Liên quan dự án Bella Vista, theo tìm hiểu, ngày 25/11/2016, UBND tỉnh Long An ban hành quyết định chủ trương đầu tư cho dự án khu dân cư Bella Vista theo quyết định số 4936/QĐ-UBND. Với quyết định này, UBND tỉnh Long An chấp thuận Công ty Hồng Đạt là chủ đầu tư để thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư có diện tích khoảng 70 ha tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với tổng vốn đầu tư 295 tỷ đồng, thời gian 50 năm kể từ ngày được phê duyệt dự án (dự án có thời hạn đến năm 2066).

Mặc dù Công ty Hồng Đạt mới là chủ đầu tư dự án Bella Vista, tuy nhiên theo hồ sơ mà báo Kinh tế và Đô thị có được, Trần Anh Group, đã sử dụng tư cách bên chuyển nhượng để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án này với nhiều khách hàng!

anh-11-1702944700.jpg
Trần Anh Group ký "Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" tại dự án Bella Vista ở thời điểm dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa tồn tại

Cụ thể, ngày 30/05/2016, ông Trần Đức Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trần Anh Group, đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số E01-63/HDCN-2016 cho bà Lương Thị Đan Phượng.

Theo nội dung hợp đồng, Trần Anh Group chuyển nhượng lô đất E01-63, thuộc dự án khu đô thị Bella Vista với giá 396.742.000 đồng (đã bao gồm VAT), với thời hạn sử dụng lâu dài cho bà Lương Thị Đan Phượng.

Cùng ngày 30/05/2016, ông Trần Đức Vinh cũng đại diện Trần Anh Group ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số D01-30/HDCN-2016 cho ông Đinh Hoàng Minh Phong. Theo đó, miếng đất được chuyển nhượng có số lô D01-30, thuộc dự án Bella Vista, với giá 287.100.000 đồng (đã bao gồm VAT), thời hạn sử dụng lâu dài.

Tương tự, ngày 01/06/2016, ông Trần Đức Vinh vẫn là đại diện Trần Anh Group ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số C01-63/HDCN-2016, đồng ý chuyển nhượng lô đất C01-63 (diện tích 74 m2; giá 244.200.000 đồng đã bao gồm VAT), với thời hạn sử dụng lâu dài cho ông Nguyễn Thành Trung.

“Cuối năm 2016, dự án Bella Vista mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng từ giữa năm 2016, Trần Anh Group đã bán đất và thu tiền trên danh nghĩa dự án này. Thậm chí, khi dự án được cấp phép, Trần Anh Group cũng không phải là chủ đầu tư, vậy giờ đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm làm sổ hồng cho chúng tôi đây” – ông Trung lo lắng.

anh-21-1702944700.jpg
Với việc thu tiền trước 95% của hàng ngàn lô đất nền, giá trung bình mỗi lô đất là 400 triệu đồng, Trần Anh Group đã chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng của khách hàng trong gần một thập kỷ qua?

Đặc biệt, ông Trung nhấn mạnh, sở dĩ ông mua đất tại dự án Bella Vista là vì tin tưởng vào uy tín của Trần Anh Group, doanh nghiệp bất động sản lớn nhất nhì tỉnh Long An. Nhưng khi xảy ra sự cố, công ty này đã nhiều lần trốn tránh khiến ông thất vọng.

“Trần Anh Group bán đất với thời hạn sử dụng lâu dài, nhưng cuối cùng đất dự án Bella Vista được phê duyệt chỉ có 50 năm. Tính đến thời điểm này chỉ còn khoảng 43 năm, mà sổ hồng còn chưa được nhận và không biết có được nhận hay không” – ông Trung bức xúc.

Phản hồi báo Kinh tế và Đô thị, Trần Anh Group thừa nhận không phải chủ đầu tư dự án Bella Vista, đồng thời cho biết rất lấy làm tiếc vì đã để khách hàng phải thất vọng.

"Trong suốt thời gian qua chúng tôi và chủ đầu tư Công ty Hồng Đạt vẫn luôn nỗ lực và phối hợp cùng phía chính quyền địa phương để đảm bảo bàn giao sổ được cho khách hàng, chúng tôi không trốn tránh" - Trần Anh Group khẳng định.

Như vậy, với việc không phải là chủ đầu tư dự án Bella Vista nhưng Trần Anh Group vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án này với khách hàng (khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư cho dự án) sẽ đẩy khách hàng đến những rủi ro gì?

Có dấu hiệu lừa đảo, chiếm dụng vốn?

Ngày 15/12, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù pháp luật về kinh doanh bất động sản đã quy định rất rõ về điều kiện mở bán, tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình “bỏ quên” các quy định này nhằm huy động vốn của khách hàng sớm nhất có thể.

anh-4-1702944700.jpg
Những ngôi nhà xây dựng trái phép tại dự án Bella Vista. Ảnh: Bella Vista

Cụ thể, theo Luật Đất đai năm 2013, việc "chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền" cần phải đáp ứng một loạt điều kiện như có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai. 

Ngoài ra, chủ đầu tư cần hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống thoát nước...) và hạ tầng xã hội (như trường học, chợ) theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt. Sau khi đáp ứng tất cả các điều kiện này, cơ quan chức năng sẽ ban hành văn bản cho phép chủ đầu tư tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền.

“Khi đầu tư vào bất cứ sản phẩm bất động sản nào, để tạo giá trị thì phải tạo giá trị trên tài sản hợp pháp, không nên kỳ vọng vào việc tạo giá trị trên tài sản chưa đủ điều kiện kinh doanh. Nếu chọn mua một sản phẩm sai sót về mặt pháp lý tức là nhà đầu tư đang tự mua rủi ro” – luật sư Thảo phân tích.

Đặc biệt, luật sư Thảo nhấn mạnh, nếu tại thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà chưa có các văn bản chủ trương đầu tư xác nhận có sự tồn tại, xuất hiện của dự án nhà ở (nói ngắn gọn là dự án chưa được cấp phép), nhưng tổ chức, cá nhân tự vẽ ra dự án, tự đặt tên cho dự án nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã thì có dấu hiệu của hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tieudung.kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc

"Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

Bạn đang đọc bài viết "Dự án KDC Bella Vista: Không phải chủ đầu tư, Trần Anh vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng với khách hàng?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.