Bài 2: Phòng khám đa khoa “đẻ ra” Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing?

03/04/2023 07:40

Cơ sở thẩm mỹ có tên “Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing” tại địa chỉ 324/1 Lý Thường Kiệt (phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh) đang có nhiều dấu hiệu mạo nhận là bệnh viện thẩm mỹ, nhằm hợp thức hóa việc rầm rộ quảng cáo hàng loạt dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.

Như Tieudung.kinhtedothi.vn đã thông tin ở bài trước, ông Nguyễn Hữu Vị - Giám đốc Công ty Cổ phần Bệnh viện ĐHYD Việt - Sing mạo nhận là bác sĩ Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing để tư vấn cho khách hàng nhiều dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Chưa dừng lại, cơ sở này còn tư vấn, giới thiệu bác sĩ Hồ Thanh Hải sẽ là bác sĩ mổ chính trong ca phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ bụng cho khách hàng. Tuy nhiên, trên cổng thông tin của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ghi nhận bác sĩ Hồ Thanh Hải với chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Với hàng loạt dấu hiệu không minh bạch trong tư vấn và hoạt động, liệu rằng "Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing" có thật sự là bệnh viện thẩm mỹ như những gì cơ sở này đang quảng cáo? Hãy cùng Báo Kinh tế và Đô thị làm rõ nội dùng này!

anh-2-1680482181.jpg

Không phải bệnh viện thẩm mỹ, tại địa chỉ 324/1 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh vẫn chễm chệ treo biển hiệu “Bệnh viện thẩm mỹ Việt Sing”. Ảnh: Tiểu Thúy

Mạo nhận là bệnh viện thẩm mỹ?

Ngày 18/2, tại TP Hồ Chí Minh, cái được gọi là "Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing" chính thức khai trương tại địa chỉ 324/1 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoạt động, cơ sở này tự quảng cáo là bệnh viện thẩm mỹ, và là thương hiệu thẩm mỹ trực thuộc Bệnh viện Y Dược Việt Sing (324/8 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh).

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Bệnh viện ĐHYD Việt – Sing (do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 10/5/2021), sau đó Công ty Cổ phần Bệnh viện ĐHYD Việt – Sing được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 0832…/HCM-GPHĐ do bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Thu (Số chứng chỉ hành nghề: 00293…/HCM-CCHN; cấp ngày 15/10/2022) là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Hình thức tổ chức là Phòng khám đa khoa, địa điểm hoạt động ở 324/8 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh.

viet-sing-1-1680482208.jpg

viet-sing-2-1680482208.jpg

Thông tin về Công ty CP Bệnh viện ĐHYD Việt – Sing trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệpChú thích ảnh

Như vậy, căn cứ theo giấy phép khám chữa bệnh nêu trên, thì chỉ có Phòng khám đa khoa thuộc Công ty Cổ phần Bệnh viện ĐHYD Việt - Sing... chứ không phải là "Bệnh viện Y Dược Việt Sing"... và thực chất cái gọi là "Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing" chỉ là một khoa thẩm mỹ thuộc phòng khám đa khoa này.

viet-sing-3-1680482213.jpg

Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh với hình thức là Phòng khám đa khoa của Công ty CP Bệnh viện ĐHYD Việt - Sing

Tuy nhiên, thay vì phải hoạt động với đúng chức năng mà Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt, chưa đầy 5 tháng sau khi được cấp phép, khoa thẩm mỹ thuộc Phòng khám đa khoa Việt Sing đã tự “nâng cấp” thành một bệnh viện thẩm mỹ với tên gọi không thể “kiêu kỳ” hơn: “Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing”. Bất chấp, trên thực tế không có bất cứ cơ sở pháp lý nào cho phép từ phòng khám đa khoa có thể thành lập bệnh viện thẩm mỹ. Chưa kể, nếu như Phòng khám đa khoa Việt Sing do Sở Y tế cấp phép hoạt động, thì bệnh viện thẩm mỹ phải do Bộ Y tế cấp phép hoạt động, với quy trình vô cùng khắt khe.

anahha-1680482180.jpg

Khi ký kết hợp tác với đối tác, Phòng khám đa khoa Việt Sing vẫn "mập mờ" khi để "Bệnh viện Y dược Việt Sing"?. Ảnh: fanpage Bệnh viện thẩm mỹ Việt Sing

Theo ghi nhận, sau khi thành công gắn mác “bệnh viện thẩm mỹ”, cơ sở thẩm mỹ mang tên “Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing” đã thông qua trang fanpage “Bệnh viện thẩm mỹ Việt Sing”, và trang wed “benhvienvietsing.com” quảng cáo, tư vấn và nhận thực hiện hàng loạt dịch vụ thẩm mỹ có gây mê.

Trước đó, trong vai khách hàng, phóng viên báo Kinh tế và Đô thị cũng đã được đích thân ông Nguyễn Hữu Vị - Giám đốc Công ty Cổ phần Bệnh viện ĐHYD Việt - Sing (mạo nhận là bác sĩ Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing) tư vấn, báo giá 150 triệu đồng cho dịch vụ treo ngực sa trễ và hút mỡ bụng. Đáng chú ý, trong quá trình tư vấn, nhân viên của ông Vị khẳng định, ca phẫu thuật sẽ được thực hiện tại Phòng khám đa khoa Việt Sing. Đồng thời, bác sĩ mổ chính là bác sĩ Hồ Thanh Hải (theo cổng thông tin Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Hải bác sĩ Y học cổ truyền và không có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ).

Chia sẻ về chỉ định cho phép sử dụng gây tê, gây mê, một bác sĩ thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh cho hay, gần như các thủ thuật trong thẩm mỹ đều có sử dụng thuốc tê. Vấn đề sốc phản vệ do thuốc tê rất hiếm nếu như sử dụng một cách đúng đắn. Vì vậy, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ cho phép các phòng khám bên ngoài gây tê tại chỗ.

Còn đối với tiền mê và gây mê chỉ được thực hiện ở các bệnh viện do Bộ Y tế cấp phép. Khi dùng thuốc gây tê, gây mê chỉ cần sai chỉ định hoặc quá liều, có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc, sốc thuốc khiến bệnh nhân khó thở, giảm oxy máu, suy hô hấp, ngưng tim, ngưng thở ngay trên bàn mổ. Vì vậy, chỉ có ở bệnh viện, nơi đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc cấp cứu thiết yếu và trình độ chuyên môn của bác sĩ mới đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

“Các thủ thuật đặt túi ngực, nâng ngực, thu gọn ngực kỳ đại, tạo hình thành bụng, hút mỡ bụng…đều là thủ thuật lớn (có gây mê), bắt buộc phải thực hiện trong bệnh viện” – bác sĩ này nói và nhấn mạnh, đã có những trường hợp chết người vì phẫu thuật thẩm mỹ trái phép. Hoặc những ca mù mắt, hoại tử, biến dạng các bộ phận cơ thể khi làm phẫu thuật trái phép.

Cần trám “lỗ hổng” đặt tên công ty

Như đã phân tích ở trên, "Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing" thực chất là khoa thẩm mỹ thuộc Phòng khám đa khoa Việt Sing, và phòng khám này được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp phép hoạt động là Phòng khám đa khoa thuộc Công ty Cổ phần Bệnh viện ĐHYD Việt – Sing (do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 10/5/2021). Từ đây, nếu nhìn ngược lại toàn bộ quá trình hoạt động thẩm mỹ của "Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing", thì không thể không đặt nghi vấn với cách đặt tên công ty nhưng lại có 2 từ “bệnh viện” lồng vào.

adws-1680482180.jpg

Trang wed "benhvienvietsing.com" quảng cáo nhiều dịch vụ thẩm mỹ, trong đó có các dịch vụ gây mê vốn chỉ được thực hiện ở các bệnh viện thẩm mỹ do Bộ Y tế cấp phép

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, tên công ty bao gồm hai thành tố “loại hình công ty” và “tên riêng” cấu thành theo thứ tự “loại hình công ty” và “tên riêng” sau.

“Tên doanh nghiệp sẽ bắt đầu bằng loại hình doanh nghiệp như “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty cổ phần” hoặc “công ty hợp danh”…Sau đó chỉ cần thêm vào tên riêng doanh nghiệp đặt theo ý muốn của doanh nghiệp, miễn là không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên công ty đang có. Cụ thể, tại Điều 38 và Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “cấm đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký”. Còn lại, tên riêng doanh nghiệp được tự đặt theo mong muốn, và pháp luật cho phép điều này” – luật sư Thảo nói.

Với trường hợp của Công ty Cổ phần Bệnh viện ĐHYD Việt – Sing, loại hình doanh nghiệp là “công ty cổ phần” và tên riêng doanh nghiệp tự đặt là “Bệnh viện ĐHYD Việt – Sing”. Ngày 10/05/2021, công ty này được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp Giấy phép kinh doanh, đến ngày 7/10/2022 thì được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động phòng khám đa khoa.

Tuy nhiên, không biết vô tình hay cố ý khi chọn tên “Bệnh viện ĐHYD Việt – Sing” với sự hiện diện của 2 chữ “bệnh viện” đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra đời Bệnh viện thẩm mỹ Việt Sing sau này. Và điều này gián tiếp gây hiểu lầm cho người tiêu dùng rằng Bệnh viện thẩm mỹ Việt Sing là bệnh viện thẩm mỹ được Bộ Y tế cấp phép, và được thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ phức tạp.

Liên quan đến những bất cập trong đặt tên doanh nghiệp, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp đặt tên công ty theo kiểu “Công ty TNHH Bệnh viện…” trong Giấp phép kinh doanh dễ làm cho người dân có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp bị lầm tưởng đây là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ. Đây cũng chính là một trong những kẽ hở để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.

Do đó, theo lãnh đạo Sở Y tế, rất cần bổ sung các quy định về tên biển hiệu và tên doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ thẩm mỹ, chuyên khoa thẩm mỹ.

Cụ thể, đăng ký tên doanh nghiệp không được nhập nhằng giữa cơ sở dịch vụ và bệnh viện (ví dụ: Chủ đầu tư của một cơ sở dịch vụ thẩm mỹ lại đăng ký tên doanh nghiệp trong Giấy phép kinh doanh là “Công ty TNHH bệnh viện…”), không dùng tên riêng của các bệnh viện để đặt tên cho các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.

Việc làm này là để khi đọc tên biển hiệu của các cơ sở làm đẹp thì người dân sẽ dễ dàng nhận biết được đâu là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, đâu là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, và đâu là bệnh viện thẩm mỹ.

Ngoài ra, những quy định này sẽ giúp cho các cơ quan quản lý có thêm cơ sở pháp lý để lấp những kẽ hở, không để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép như thời gian qua.

Bên cạnh Bệnh viện thẩm mỹ Việt Sing, thì hoạt động của Phòng khám đa khoa Việt Sing diễn ra như thế nào?

Tieudung.kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Theo Tiểu Thúy/TD
Bạn đang đọc bài viết "Bài 2: Phòng khám đa khoa “đẻ ra” Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Việt Sing?" tại chuyên mục Khỏe - Đẹp. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.