Bác sĩ chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên xem thường bệnh tay, chân, miệng ở trẻ

21/08/2023 06:36

Bệnh tay, chân, miệng rất dễ phát bệnh ở trẻ và có thể truyền nhiễm, các bậc phụ huynh cần chú ý đến những biểu hiện này ở trẻ để phát hiện và điều trị kịp thời.

Tập 65 chương trình Sống khỏe đời vui với chủ đề “Bệnh chân tay miệng, dấu hiệu và cách điều trị” với sự tham gia tư vấn của Bác sĩ Trần Ngọc Lưu – Khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 và được kết nối bởi MC Hoàng Rapper.

Mở đầu tiểu phẩm tình huống, thấy người chị hàng xóm tới chơi và háo hức gọi cu Tin ra để tặng quà nhưng mãi không thấy cậu bé. Nghe vậy, người mẹ cho biết cu Tin mới đi học được một ngày về đã bị sốt nằm lì trên phòng khiến cô lo lắng, rối bời. Trước thông tin đó, người chị hàng xóm cho biết ở thời điểm giao mùa, trẻ em rất dễ bị sốt và lây bệnh của con nít. “Mấy nay tôi thấy bệnh tay – chân – miệng đang phổ biến, bà coi chừng đấy nha”, cô nói thêm.

Hốt hoảng khi nghe người chị nói, người mẹ vội vàng chạy vào phòng xem tình trạng của con như thế nào. Một lúc sau, người mẹ buồn bã chạy ra cho biết cu Tin không chịu uống sữa vì thấy trong miệng khó chịu. Thấy người em của mình đang rối rắm, người chị hàng xóm khuyên nhủ cô nên bình tĩnh và tìm đến bác sĩ để nghe tư vấn.

Theo dõi tình huống tiểu phẩm, Bác sĩ Trần Ngọc Lưu cho biết bệnh tay, chân, miệng là bệnh bị gây ra bởi virus đường ruột và có thể lây trực tiếp từ người sang người và phát bệnh theo từng đợt. Đa phần, bệnh tay, chân, miệng ở trẻ đều xảy ra ở mức độ nhẹ có thể dễ điều trị, tuy nhiên vẫn có những trường hợp bệnh tình trở nặng gây ảnh hưởng tới thần kinh, hô hấp hay thậm chí gây tử vong. Để kịp thời phát hiện ra bệnh tình, phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện, cơ quan y tế để thăm khám khi thấy có dấu hiệu của bệnh.

9-1692574554.JPG

Bệnh tay, chân, miệng sẽ có những biểu hiện điển hình như phát ban, nổi mụn nước ở những vị trí đặc biệt như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, khủy tay. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể chỉ bị sốt nhẹ hoặc quấy khóc, chảy nước miếng nhiều và biếng ăn. Từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5, bé sẽ có những biểu hiện như quấy khóc nhiều, giật mình, hay thở khó, thở gấp, sốt cao liên tục. Ngoài ra, một số trường hợp trở nặng có thể khiến trẻ tím tái, co giật.

Nói về nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ Trần Ngọc Lưu cho hay: “Bệnh tay, chân, miệng sẽ lây truyền khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với trẻ bị bệnh như dịch mủ từ mụn nước, nước miếng của trẻ hoặc phân không được xử lý tốt. Chính người lớn cũng có thể trở thành mầm bệnh lây cho bé nên phụ huynh cũng phải chú ý vệ sinh tay chân sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch khi chăm sóc cho trẻ. Ngoài ra, người lớn hạn chế tối đa việc ôm hôn trẻ, cần mang khẩu trang y tế cho mình và cả trẻ bị bệnh.

1-1692574554.JPG

Bên cạnh đó, người lớn nên chú ý đầy đủ dinh dưỡng theo độ tuổi cho trẻ, chọn thức ăn lỏng, dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay khi trẻ bệnh. Có thể sử dụng gel bôi theo chỉ định của bác sĩ để giúp trẻ nhanh lành tổn thương da do bệnh tay, chân, miệng không để lại sẹo”.

Nữ bác sĩ cũng khuyên rằng, khi trẻ có triệu chứng sốt hơn 38 độ C, phụ huynh có thể cho trẻ uống thuốc theo toa của bác sĩ và cần đưa trẻ đi tái khám để sớm phát hiện những biến chứng bất thường.

Lắng nghe tư vấn của bác sĩ chuyên gia, người mẹ rút ra được cho mình nhiều kiến thức và kinh nghiệm khi chăm sóc con.

Chương trình Sống khỏe đời vui phát sóng lúc 17:30 chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7. Chương trình do Công ty Truyền thông Bee phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện.

 

Bạn đang đọc bài viết "Bác sĩ chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên xem thường bệnh tay, chân, miệng ở trẻ" tại chuyên mục Khỏe - Đẹp. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.