Bách nghệ kỳ thú: Khám phá làng nghề làm lu trăm năm tuổi ở Bình Dương

02/09/2023 08:48

MC Quang Huy đưa diễn viên Năm Chà và diễn viên Bảo Bảo khám phá làng nghề làm gốm truyền thống tại Bình Dương.

Tập 5 chương trình Bách nghệ kỳ thú đã lên sóng lúc 19h30 thứ 6 vừa qua trên kênh HTV7. Với sự dẫn dắt duyên dáng của MC Quang Huy cùng sự tung hứng hài hước của hai khách mời là diễn viên Tạ Quang Thịnh (Năm Chà) và diễn viên Bảo Bảo đã mang đến những giây phút giải trí thú vị cho chương trình.

Sau khi ghé thăm làng nghề làm nhang truyền thống tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM, MC Quang Huy cùng Bách nghệ kỳ thú đã đưa hai nghệ sĩ đến lò lu Đại Hưng, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tại đây, hai khách mời được dịp khám phá và trải nghiệm các công đoạn để tạo ra một cái lu nước hoàn toàn bằng thủ công.

522a1543-min-1693619201.JPG

Để được học nghề, Bảo Bảo đã trở thành người “nhắc tuồng” giúp Năm Chà hát trọn vẹn một đoạn cải lương ngắn trong vở “Vụ án Mã Ngưu”. Tiết mục đặc sắc của cả hai khách mời khiến Quang Huy và chú Bùi Văn Giang (Tám Giang) thích thú, ngay lập tức được nhận vào học nghề làm lu.

Trò chuyện cùng chú Tám Giang, chú cho biết làng nghề đã có hơn 180 năm tồn tại và chú là đời 6 của gia đình tiếp tục lưu giữ nghề này. Với gia đình chú, mọi người ở lò lu Đại Hưng đều vì yêu nghề mà tiếp tục làm, họ yêu những giá trị lịch sử trăm năm nơi đây. Chính mong muốn bảo tồn làng nghề nên các nghệ nhân ở Đại Hưng vẫn lưu giữ cách làm thủ công truyền thống mà hiêm hoi các làng nghề nơi khác giữ được. Hai khách mời bày tỏ sự khâm phục vì làng nghề đã lâu năm nhưng chú Tám Giang và gia đình vẫn lưu giữ được cách làm thủ công có phần vất vả.

Đặc biệt, khi biết có tới 7 công đoạn để tạo thành một cái lu hoàn chỉnh, Năm Chà và Bảo Bảo đã vô cùng bất ngờ vì sự kỳ công. Chú Tám Giang nói thêm: “Để làm lu ở đây phải nhào nặn ra 3 đoạn (3 phần) ráp lại mới hình thành hình dáng của một cái lu. Sau đó, các nghệ nhân sẽ dùng khun đắp nổi hình rồng, phượng lên thân lu. Tráng men, phơi nắng rồi đem nung ở lò củi truyền thống là có thành phẩm”. Ngoài ra, chú Tám Giang cũng tự hào vì lò lu Đại Hưng là làng nghề lâu đời, mỗi năm đón hàng chục nghìn học sinh, sinh viên ghé thăm, tìm hiểu và học hỏi.

522a1481-min-1693619201.JPG

Trong phần “Thử tài bách nghệ”, Năm Chà đã đối đầu với Bảo Bảo thực hiện hai công đoạn làm lu là nhào nặn đế lu và tráng men. Ở phần thử thách đầu tiên, Bảo Bảo chọn cách bình tĩnh còn Năm Chà lại vừa làm vừa nói để đánh “đòn tâm lý” đối thủ. Màn “đấu tay đôi” kịch tính của hai khách mời khiến MC Quang Huy vô cùng thích thú. Sau một hồi loay hoay, mồ hôi đổ như tắm thì cả hai đều có được thành phẩm như mong muốn của mình. Tuy nhiên, vì sự bình tĩnh và tập trung của mình nên Bảo Bảo được nghệ nhân đánh giá là chuyên nghiệp, tạo ra thành phẩm đẹp hơn.

Trong thử thách còn lại, hai khách mời phải tráng men cho cái khạp nhỏ. Lấy lại phong độ, Năm Chà chỉ bằng một động tác đã tráng xong men cho khạp nước. Về phần Bảo Bảo, vẫn chọn cách bình tĩnh, chậm rãi nên khiến men được tráng không đều, mất nhiều thời gian hơn đối thủ. Hai khách mời hòa nhau sau hai vòng thử thách và nhận về món quà lưu niệm đến từ chú Tám Giang.

Lò lu Đại Hưng ở đường Lò Lu, phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là một lò gốm chuyên sản xuất các loại lu, khạp nổi tiếng từ hàng trăm năm nay. Sự tồn tại và phát triển của lò lu đặc biệt này vừa giúp lưu giữ được một nghề truyền thống của địa phương, vừa góp phần phát triển kinh tế trong vùng. Sản phẩm chủ yếu ở lò lu Đại Hưng là lu, khạp, vại, chậu. Trong đó, lu là sản phẩm chính, loại lớn nhất có thể chưa tới 200 lít nước.

522a1616-min-1693619201.JPG

Khạp cũng dùng để chứa nước nhưng nhỏ hơn lu. Các sản phẩm ở đây đều có màu đặc trưng là màu vàng da bò hoặc da lươn. Các hoa văn trang trí thường là hình rồng, phụng được đắp nổi. Trải qua bao biến động của lịch sử, lò lu Đại Hưng vẫn giữ được những phương thức sản xuất theo lối thủ công truyền thống. Đó là cách nặn gốm bằng tay, màu sắc cổ điển, nguyên vật liệu được khai thác tại địa phương và chất đốt bằng củi, chưa sử dụng kỹ thuật, máy móc hiện đại. Ngày 3/10/2006, lò lu Đại Hưng được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng Di tích cấp tỉnh.

Đón xem chương trình Bách Nghệ Kỳ Thú vào lúc 19h30 Thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7. Chương trình do Công ty Truyền thông Golden Moon phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện, với sự đồng hành của thương hiệu Sakos - Nhà sản xuất vali, balo, túi xách cao cấp chất lượng quốc tế.

Bạn đang đọc bài viết "Bách nghệ kỳ thú: Khám phá làng nghề làm lu trăm năm tuổi ở Bình Dương" tại chuyên mục Giải trí. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.