Người đàn ông khiếm thị 23 năm ấm ủ ước mơ trở thành vận động viên cờ vua

31/10/2023 10:13

Cố gắng bươn chải đủ nghề, người đàn ông khiếm thị vẫn luôn ôm ấp một tình yêu lớn với cờ vua. Để tiếp sức cho chồng vững tin trên con đường đã chọn, chị Thu Nguyên bén duyên với nghề xoa bóp những mong đỡ đần chồng phần nào gánh mưu sinh.

Chương trình Thần tài gõ cửa số 701 là chuyến vi hành của Thần Tài (DV Đình Toàn) và Thổ Địa TP HCM (DV Duy Khương), Vợ Thổ Địa TP.HCM (DV Trà Ngọc) đến phòng trọ nhỏ thuộc thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP.HCM để lắng nghe câu chuyện của vợ chồng anh Nguyễn Anh Tấn và chị Lê Thị Thu Nguyên.

Chịu chứng di truyền về mắt khi cha và các anh chị đều là người khiếm thị, từ khi sinh ra, thị lực của anh Tấn đã gặp nhiều hạn chế. Càng lớn, những hình ảnh mà anh nhận thức được ở thế giới xung quanh chỉ còn là vài đốm sáng mờ ảo. Tuy vậy, anh vẫn cố gắng theo học văn hóa tại Hội người mù tại quận 1, TP.HCM. Sau đó anh theo học chuyên ngành Sử học tại Đại học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, TP.HCM. Tuy nhiên việc học lại dang dở ở năm cuối của giảng đường, mẹ bị tai biến nặng, gia đình rơi vào khó khăn nên anh Tấn đành phải nghỉ học, hành trình tìm kế sinh nhai cũng bắt đầu từ đó. 

1698655634-hd04-15-15-13still3462-1698721943.jpg

Với kinh nghiệm hơn 23 năm trong việc tập luyện và thi đấu cờ vua, anh Tấn đến nay đã trở thành thành viên chủ lực của đội tuyển cờ vua TP.HCM, đại diện đất nước thi đấu ở nhiều đấu trường quốc tế. Nổi bật nhất gần đây là 5 HCV toàn quốc năm 2019, 3 HCV toàn quốc năm 2022, HCĐ quốc tế năm 2023. Anh hào hứng kể: "Khi không vào đợt tập trung tập luyện thì mình cũng hay mời bạn bè về phòng trọ tập luyện. Dù đã tập đi tập lại nhiều thế cờ nhưng mỗi trận đấu, mỗi cách giải cờ đều mang đến cho mình cảm xúc rất lạ"

Để có tiền duy trì đam mê theo đuổi bộ môn cờ vua, anh Tấn tranh thủ nhận làm thêm nghề gia sư, dạy tiếng Anh giao tiếp cho các em học sinh hoặc người có nhu cầu cải thiện kỹ năng nghe nói.

Thấy chồng cố gắng tìm kiếm việc từ hết nơi này đến nơi khác không quản nhọc nhằn để tích góp từng đồng lời, chị Lê Thị Thu Nguyên hiểu hết những ước mơ mà anh ấp ủ về 1 căn trọ rộng rãi hơn để chồng có thể mua sắm thêm giáo cụ, hỗ trợ việc làm gia sư. Quên đi mặc cảm tự ti vì đôi mắt không còn ánh sáng, chị Nguyên miệt mài nhận thêm vài suất mat-xa tại cơ sở mà chị làm thêm từ khi mới ra nghề. Lặng lẽ chịu đựng những cơn đau khớp, phù nề xuất hiện ngày một nhiều mỗi lần chị làm việc không nghỉ ngơi. 

Vậy là những giờ nghỉ trưa của anh Tấn lại đổi bằng 3-4 tiếng đồng hồ liền đứng hoặc ngồi để làm mẫu vẽ cho các sinh viên trường Mỹ thuật thực hành. Mỗi giờ làm mẫu chỉ nhận về từ 55- 60 ngàn đồng nhưng bấy nhiêu cũng chất chứa biết bao sự yêu thương của người chồng dành cho vợ đồng cảnh khiếm thị.

Cố gắng là vậy nhưng nhiều khoản chi phí không tên giữa đất thành thị đắt đỏ khiến cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ càng thêm lo toan. Chị Nguyên tâm sự: "Là người phụ nữ thì lúc nào cũng mong được có con nhưng vợ chồng của tôi vẫn lo ngại, nguồn thu nhập hiện giờ của 2 vợ chồng bây giờ còn khó khăn, sức khỏe tôi lại không ổn định, không biết đến bao giờ mới đủ sức có thêm thành viên mới cho gia đình trọn vẹn".

Chương trình Thần tài gõ cửa phát sóng lúc 19h10, Chủ Nhật ngày hàng tuần trên kênh THVL1.

Bạn đang đọc bài viết "Người đàn ông khiếm thị 23 năm ấm ủ ước mơ trở thành vận động viên cờ vua" tại chuyên mục Giải trí. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.