Nhìn lại thương vụ “thâu tóm” Hapro của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga

23/05/2024 07:29

Hapro vẫn phù hợp với “khẩu vị” của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, là một doanh nghiệp gốc Nhà nước, nắm nhiều đất vàng tại các vị trí đắc địa.

Thương vụ thâu tóm Hapro (mã HTM)

Nhắc đến những nữ doanh nhân trên thương trường không thể bỏ qua cái tên Nguyễn Thị Nga (madame Nga). Vị “nữ tướng” này đã đưa Tập đoàn BRG đi lên từ hoạt động xuất nhập khẩu trước khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, sân golf và nhiều lĩnh vực khác.

chan-dung-madame-2016-crop-1716424078.jpg

Madame Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG. Ảnh brggoup.vn

Một trong những thương vụ đình đám nhất có dấu ấn của madame Nga là cú “thâu tóm” Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro - mã HTM) trong đợt cổ phần hoá doanh nghiệp này đầu năm 2018.

Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của Hapro sẽ đạt 2.200 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần của Tổng công ty sau cổ phần hóa. Hapro dự kiến sẽ bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên 0,49% vốn điều lệ; gần 76 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ và 143 triệu cổ phần sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược, tương đương 65% vốn.

Khi đó, Công ty Motor N.A Việt Nam (Vinamco), một thành viên tập đoàn BRG đã được UBND TP. Hà Nội - đại diện chủ sở hữu của Hapro, lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược được tham gia mua 65% cổ phần Hapro. Mức giá khởi điểm của phiên đấu giá cổ phần Hapro (HTM) khi IPO là 12.800 đồng/cổ phần. Tương ứng, số tiền tối thiểu mà Vinamco phải bỏ ra để mua lại cổ phần Hapro là 1.830 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Nga được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Hapro nhiệm kỳ 2018-2023 tại ĐHCĐ thường niên đầu tiên (tháng 6/2018) sau khi Hapro cổ phần hoá. Tuy nhiên, đến tháng 2/2020, bà Nga đã không còn là Thành viên HĐQT và Chủ tịch Hapro theo Nghị quyết HĐQT số 38/2020/NQ-HĐQT.

Dù “nữ tướng” rời ghế Chủ tịch nhưng nhóm BRG không có động thái thoái vốn khỏi Hapro. Bởi thực tế, Hapro vẫn phù hợp với “khẩu vị” của madame Nga, là một doanh nghiệp gốc Nhà nước, nắm nhiều đất vàng tại các vị trí đắc địa. Thống kê trên bản cáo bạch IPO cho thấy Hapro sở hữu 96 cơ sở nhà đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, 18 địa điểm ngoài Hà Nội cùng 6 địa điểm khác.

Những bất động sản Hapro nắm giữ tại thời điểm đó có thể kể đến bao gồm: Tổ hợp thương mại văn phòng số 11B Cát Linh; Toà nhà số 362 Phố Huế; Trung tâm thương mại số 38-40 Lê Thái Tổ; Trung tâm thương mại tại 160 Nguyễn Trãi; Khu đất diện tích 1.230 m2 tại D2 Giảng Võ; Khu đất 1.000 m2 tại số 135 Lương Định Của…. Đặc điểm chung đều là những bất động sản nằm tại vị trí đắc địa tại khu vực trung tâm thành phố Hà Nội và từng thuộc sở hữu nhà nước.

Về tay BRG, Hapro kinh doanh ngày càng thua lỗ

Sau 5 năm về với hệ sinh thái BRG, bên cạnh những lô đất “vàng” thì thứ mà Hapro mang lại cho tập đoàn mẹ là những khoản thua lỗ tăng dần theo từng năm.

Thống kê kết quả kinh doanh trong 5 năm từ năm 2019-2023, Hapro thua lỗ tới 4 năm. Duy nhất trong năm 2019, Hapro báo cáo doanh thu 2.240 tỷ đồng, và lãi 120 tỷ đồng. Năm 2020 và 2021, dưới tác động của dịch Covid-19, Hapro lần lượt ghi nhận doanh thu 940 và 618 tỷ đồng cùng khoản lỗ 51 triệu và 1,8 tỷ đồng.

bieu-do-1716424078.jpg

Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh kết thúc, doanh thu của Hapro không có sự cải thiện mà còn đi xuống. Tại năm 2022 và 2023, Hapro đạt doanh thu 390 tỷ và 444 tỷ đồng. Thua lỗ tiếp tục tăng trong 2 năm này lên 13 tỷ và 30 tỷ đồng.

Quý 1/2024 vừa qua, Hapro ghi nhận doanh thu 146 tỷ đồng nhưng khoản chi phí lãi vay tăng đột biến lên gần 20 tỷ cùng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm gần 29 tỷ đã bào mòn hết lợi nhuận. Công ty chỉ báo lãi sau thuế vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng.

Giá trị của Hapro đang nằm ở đâu?

Tính đến cuối Quý 1/2024, tổng tài sản của Hapro ghi nhận 3.304 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 1.374 tỷ đồng, tương đương 42% tổng tài sản. Tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 52 tỷ đồng, còn lại phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn, chiếm 1.233 tỷ đồng.

Tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng lớn tới 58% tổng tài sản, tương đương 1.930 tỷ đồng. Trong đó một phần không nhỏ đến từ giá trị tài sản cố định cùng tài sản dở dang dài hạn.

Giá trị tài sản cố định của Hapro đang ghi nhận 549 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn đang chiếm 827 tỷ đồng. Có thể thấy rằng giá trị lớn nhất trong khối tài sản của Hapro nằm ở chính những bất động sản của công ty thành viên mà đơn vị này đang nắm giữ.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả hiện chiếm 1.069 tỷ đồng, Hapro đang đi vay nợ ngắn hạn 665 tỷ đồng cùng vay nợ dài hạn 135 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 2.235 tỷ đồng, Hapro đang báo lỗ luỹ kế chưa phân phối 36 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Nhìn lại thương vụ “thâu tóm” Hapro của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.