Vụ giả mạo “giấy tờ vay tiền" của nghệ sĩ Hoài Linh: Người vi phạm có thể bị phạt tù

04/06/2021 17:10

Theo luật sư, việc việc nêu trên cho thấy đối tượng đã có hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức nhằm để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, câu like.

Hợp đồng vay tiền của Hoài Linh là giả mạo

Như Dân Việt đưa tin, trước đó, ông Ngô Mỹ, ngụ quận Tân Phú, TPHCM đã gửi đơn đến Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an và Công an TPHCM yêu cầu điều tra tội vu khống, bôi nhọ ông sau khi trên mạng xã hội tung hình ảnh giấy vay nợ 5 tỷ đồng được cho là của ông cho nghệ sĩ Hoài Linh vay.

Trong đơn, ông Ngô Mỹ cho rằng, ngày 2/6 trên facebook cá nhân có tên "Thanh Duy" đăng hình ảnh "Hợp đồng vay tiền" giữa bên cho vay là ông và bên vay là nghệ sĩ Võ Nguyễn Hoài Linh kèm theo thông tin: "nghe đồn L14 mới vay được 5 tỷ ngày 28/5/2021 nè quý dị. Giấy này giống như vay của cá nhân và công chứng tại phường".

Theo ông Mỹ tất cả những thông tin này là sai sự thật, ông không cho Hoài Linh vay, ngoài ra thông tin về ngày tháng năm sinh của ông cùng số chứng minh nhân dân đều hoàn toàn không đúng, giả mạo. 

"Tôi sinh ngày 1/2/1964 nhưng trong "Hợp đồng vay tiền" ghi năm sinh 1970; địa chỉ nơi tôi thường trú cũng không chính xác"- ông Ngô Mỹ nói đồng thời cho biết, sau khi thông tin này lan truyền trên mạng đã ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân ông và công việc kinh doanh của gia đình.

131-1622787088.jpeg

Hợp đồng vay tiền giả mạo lan truyền trên mạng xã hội

Trả lời PV Dân Việt, ông Phạm Thế Quan - Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ cho biết, trước đây, tại UBND phường Phú Mỹ có một Phó Chủ tịch là bà Lâm Thị Phương Thảo. Tuy nhiên, với văn bản ghi "Hợp đồng vay tiền" trên, ông Quan khẳng định ngay "Hợp đồng vay tiền trên là giả".

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho hay, hợp đồng vay tài sản, tiền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó, bên cho vay giao cho bên vay một số tiền hoặc tài sản để làm sở hữu.

Hết hạn của hợp đồng, bên vay có nghĩa vụ trả cho bên kia số tiền hoặc hiện vật tương đương với tiền hoặc vật đã vay, đồng thời trả thêm một số lợi ích vật chất nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. 

Pháp luật Việt Nam không quy định bắt buộc công chứng đối với hợp đồng vay tiền. Thậm chí, việc vay tiền có thể chỉ cần giao kết bằng lời nói hoặc hành vi cũng được công nhận. 

Khi hai bên thỏa thuận, thống nhất ý chí về nội dung hợp đồng vay tiền và thực hiện giao nhận tiền thì hợp đồng vay tiền đã có giá trị pháp lý.

Bên cạnh những lợi ích mang lại, sự phổ biến của mạng xã hội ra đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát triển. Thực tế, trong những năm qua, không chỉ tại Việt Nam, mà trên hầu hết các quốc gia trên thế giới, tin giả đang hoành hành.

Tin giả được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được khuếch tán trên Internet và các phương tiện truyền thông.

Người làm giả giấy tờ có thể bị phạt tù 

Một điều tệ hại là những thông tin sai lệch có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật trên các dịch vụ truyền thông xã hội. Đây là một thực trạng đáng báo động, vụ việc này cho thấy đối tượng đã có hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức nhằm để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, câu like.

132-1622787088.jpg

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh).

Theo luật sư Bình, ngoài dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu, con dấu của tổ chức và có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác bởi hiện nay nghệ sỹ Hoài Linh đang là tâm điểm chú ý về việc chậm trễ trong từ thiện.

Tội sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức" được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, với mức phạt thấp nhất là phạt tiền, cao nhất là phạt tù từ 2-5 năm.

Ngoài ra, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), người làm giả và tung bản hợp đồng này lên mạng xã hội có hành vi "sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức" được quy định tại Điều 341 - Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Hành vi "lừa dối" ở đây có nghĩa là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật.

Trong trường hợp này, người làm giả hợp đồng vừa có tội làm giả con dấu (dấu UBND phường Phú Mỹ), vừa có hành vi sử dụng hợp đồng giả để lừa dối cộng đồng mạng (cụ thể, người làm giả hợp đồng này khiến dư luận tin việc nghệ sĩ Hoài Linh vay tiền để trả nợ, gây mất uy tín và danh dự của nghệ sĩ Hoài Linh). Như vậy, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

"Ngoài ra, người làm bản hợp đồng giả trên còn bị quy vào thực hiện lỗi cố ý, với mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định. Trong trường hợp cơ quan điều tra xác minh tội phạm có tổ chức, thì có thể bị xử phạt cao nhất là 5 năm tù." – Luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Luật sư  Tuấn cho biết, nghệ sĩ Hoài Linh có quyền làm đơn tố giác tội phạm gửi Sở Thông tin - Truyền thông, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để đề nghị điều tra và làm rõ đối tượng làm giả giấy tờ, gây mất uy tín, danh dự của bản thân.

Sau khi xác minh được đối tượng, nghệ sĩ Hoài Linh có quyền khởi kiện ra toà án để đòi bồi thường thiệt hại về nhâm phẩm, danh dự. Nếu có cơ sở xác minh được thiệt hại danh dự, nhâm phẩm thì nghệ sĩ Hoài Linh có quyền yêu cầu bồi thường theo số tiền thiệt hại này.  

Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 quy định về "Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" cụ thể như sau:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức; ...

 

Bạn đang đọc bài viết "Vụ giả mạo “giấy tờ vay tiền" của nghệ sĩ Hoài Linh: Người vi phạm có thể bị phạt tù" tại chuyên mục Giải trí. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.