Nhiều loại sản phẩm được quảng cáo 'thần thánh hóa', uống xong không hiểu có tác dụng gì

14/06/2021 15:12

Quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, kem bôi,..."có 1 nói 10" là chìa khóa các nhà kinh doanh, quảng cáo hiện nay sử dụng để mở cánh cửa hy vọng của người tiêu dùng. Nhưng khác xa so với kỳ vọng, người dân phản ánh "dùng vô thưởng vô phạt", chỉ mất thêm tiền chứ không có tác dụng như "lời đồn"

Trước hết, chúng ta cần hiểu bản chất của thực phẩm chức năng: là loại thực phẩm không chỉ cung cấp những chất dinh dưỡng cơ bản mà còn chứa một số thành phần khác có tác dụng hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể, tạo ra tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.

Loại thực phẩm chức năng được kể đến đầu tiên là những thực phẩm mà khi ở dạng tự nhiên đã có những hoạt chất có lợi với hàm lượng lớn. Tiếp đó là nhóm thực phẩm có ít hoạt chất hơn, phải bổ sung hoặc tinh chế cô đặc lại ở dạng dễ sử dụng, hay gây biến đổi gene để làm tăng hàm lượng những chất có lợi.

Có thể dễ dàng nhận biết những thực phẩm chức năng ở dạng tự nhiên được sử dụng hằng ngày. Nhưng với những thực phẩm có bổ sung và biến đổi, người tiêu dùng phải biết cách đọc nhãn bao bì thực phẩm (với điều kiện chúng phải qua kiểm duyệt một cách nghiêm túc và được sản xuất bởi những công ty có uy tín).

101-1623640317.png

Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông hiện nay, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp: thực phẩm điều trị ung thư, tiểu đường, ... (đa số bệnh kể trên đều nằm trong nhóm bệnh nan y, gần như chưa có thuốc điều trị). Vậy mà họ cam kết chữa khỏi bệnh, diệt tận gốc bệnh, cứ mua dùng là khỏi, "bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ".

Có những công ty "nhẫn tâm hơn" khi hồn nhiên thuê người nổi tiếng (những người có sức ảnh hưởng đối với công chúng) PR quảng cáo cho TPCN, họ "ham tiền" mà không có kiến thức về TPCN nói chung và sản phẩm mình quảng cáo nói riêng. Nghiễm nhiên tuyên bố, đi viện, uống thuốc tây mãi không không khỏi, nhưng dùng thuốc này (TPCN) thì đỡ hẳn,... Câu hỏi đặt ra, họ có mắc bệnh thật không? Họ có thật sự dám uống, đã uống? Và sau khi uống họ đã khỏi bệnh?

Trong khi đó, giá bán lại quá cao thông qua cơ chế bán hàng kiểu đa cấp. Điều này hết sức nguy hại, bởi lẽ nó khiến cho không ít người tiêu dùng do trình độ nhận thức có hạn đã tự ý từ bỏ thuốc đặc trị đang dùng để sử dụng thực phẩm chức năng khiến bệnh tình trở nên nặng hơn. Thậm chí gây ra những tai biến không đáng có. Còn tình trạng "khóc dở mếu dở", "tiền mất tật mang" cũng trở nên khá phổ biến.

Ngoài ra, nhiều website lợi dụng các đài truyền hình lớn như VTV2, VTV1, VTC, H1 để lồng ghép, cắt ghép thành một video quảng cáo hoàn chỉnh để tăng tương tác, thu hút khách.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các công ty kinh doanh sử dụng rất nhiều chiêu trò, mánh khóe khiến người tiêu dùng hoàn toàn tin vào công dụng này như lợi dụng các đài truyền hình lớn như VTV2, VTV1, VTC,...để lồng ghép, cắt ghép thành một video hoàn chỉnh. Thoáng qua, người đọc sẽ lầm tưởng sản phẩm được VTV công nhận và quảng cáo, nhưng hoàn toàn là chiêu trò để tăng tương tác, thu hút khách và bán hàng của doanh nghiệp.

Theo Ths. Bs. Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện TWQĐ 108: Có một tình trạng là, vì con đường để sản phẩm được đăng ký công nhận là một loại thuốc chữa bệnh quá công phu, vất vả, khó khăn và tốn kém nên không ít công ty đông dược đã tung ra thị trường những sản phẩm dưới danh nghĩa thực phẩm chức năng nhưng kỳ thực lại là thuốc trị bệnh đích thực.

Bởi lẽ, trong thành phần của các sản phẩm này hoàn toàn chỉ gồm các vị thuốc đông y có tác dụng chữa bệnh (thuốc bệnh) chứ không hề có vị thuốc nào có tác dụng bổ dưỡng và nâng cao sức đề kháng (thuốc bổ), thậm chí còn có mặt cả những vị thuốc mà các thầy thuốc đông y khi sử dụng cũng phải rất thận trọng như đại hoàng, phan tả diệp, phụ tử...

Một số trà giảm béo là những ví dụ điển hình, trên thực tế, người ta cố ý dùng chữ "trà" hay "nước tăng lực"...để sản phẩm qua mắt được các nhà kiểm duyệt (nếu như không có kiến thức đầy đủ về y dược học cổ truyền) để được xếp vào nhóm "thực phẩm chức năng".

Trong y học cổ truyền, các vị thuốc này cũng không bao giờ được xếp vào nhóm các loại vừa có thể làm thực phẩm vừa có thể làm thuốc và đương nhiên, khi sử dụng nhất thiết phải được thầy thuốc chuyên khoa khám bệnh, kê đơn với chỉ định, liều lượng, liệu trình và cách dùng hết sức chặt chẽ. Điều này hết sức nguy hiểm nếu như những sản phẩm này, theo quy định chung với thực phẩm chức năng, khi dùng chỉ cần theo "hướng dẫn cách sử dụng" của nhà sản xuất mà không cần thầy thuốc chuyên khoa khám bệnh và chỉ định, nhất là khi những sản phẩm này lại được quảng cáo là có thể sử dụng lâu dài, cho mọi đối tượng mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả và tính an toàn.

Theo Thùy An/Sức khỏe 24h
Bạn đang đọc bài viết "Nhiều loại sản phẩm được quảng cáo 'thần thánh hóa', uống xong không hiểu có tác dụng gì" tại chuyên mục Khỏe - Đẹp. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.