Đã có cách "trị" tin nhắn rác

21/08/2020 12:00

Nghị định 91 đã đưa ra định nghĩa mới và biện pháp mới để quyết tâm xử lý dứt điểm tin nhắn rác, thư rác điện tử...

Nghị định 91 đã đưa ra định nghĩa mới và biện pháp mới để quyết tâm xử lý dứt điểm tin nhắn rác, thư rác điện tử...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91 về chống tin nhắn rác (TNR), thư điện tử rác (TĐTR), cuộc gọi rác (CGR) quy định về chống TNR, TĐTR, CGR và quy định về quảng cáo bằng tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính về TNR, TĐTR, CGR. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2020.

Nhà cung cấp phải có biện pháp ngăn chặn

Theo đó, Nghị định 91 quy định 8 biện pháp phòng chống, ngăn chặn TNR, TĐTR, CGR và Cục An toàn thông tin (ATTT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan được giao điều phối ngăn chặn, xử lý TNR, TĐTR, CGR.

Nghị định quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng, phải hướng dẫn người dùng về cách thức chống TNR, CGR... Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thư điện tử có trách nhiệm hướng dẫn người dùng về cách thức chống TĐTR. Ngoài ra, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải có biện pháp chặn, lọc, cập nhật danh sách các nguồn phát tán TĐTR và có giải pháp để tránh mất mát và ngăn chặn nhầm thư điện tử của người dùng...

Đáng chú ý, Nghị định 91 cũng quy định danh sách không quảng cáo là tập hợp số điện thoại mà người có quyền sử dụng số điện thoại đó đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo nào. Cùng với đó, Cục ATTT tổ chức, xây dựng, định kỳ cập nhật và công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông danh sách đen địa chỉ IP/tên miền phát tán TĐTR.

Đã có cách trị tin nhắn rác - Ảnh 1.

Bị quấy rầy gọi đến tổng đài 5656 Nghị định cũng nêu rõ việc Cục ATTT xây dựng, vận hành hệ thống tiếp nhận phản ánh TNR, CGR (trên đầu số 5656), TĐTR. Khi thực hiện các chương trình quảng cáo, người quảng cáo bằng tin nhắn đồng thời phải gửi bản tin nhắn quảng cáo tới hệ thống phản ánh TNR, CGR (trên đầu số 5656). Người sử dụng dịch vụ viễn thông, internet, thư điện tử có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới hệ thống này.

Vi phạm bị phạt tiền tới 170 triệu đồng

Nghị định 91 cũng quy định mức phạt tiền thấp nhất từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý rõ ràng hay từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo; gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng... Phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định; gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo. Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi gửi tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo.

Đặc biệt, Nghị định 91 cũng quy định phạt tiền từ 140-170 triệu đồng đối với các hành vi: Không thực hiện các biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến danh sách không quảng cáo; không ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tán TNR, TĐTR, CGR theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không xây dựng, vận hành hệ thống kỹ thuật để phòng chống, ngăn chặn TNR, TĐTR, CGR...

Trả lời báo chí, Phó Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Khắc Lịch cho biết Nghị định 91 đã đưa ra định nghĩa mới và biện pháp mới để quyết tâm xử lý dứt điểm vấn nạn này. Một vấn đề đáng chú ý theo ông Lịch, quy định mới sẽ tăng quảng cáo hợp pháp, giảm TNR không mong muốn cho khách hàng bằng cách khuyến khích các nhà quảng cáo gắn nhãn thương hiệu của mình vào tin nhắn đến khách hàng. Tuy nhiên, trước đó nhà mạng phải gửi tin nhắn cho khách hàng để xác nhận có đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo hay không? Nếu khách hàng không đồng ý mà vẫn bị nhà quảng cáo và nhà mạng "ép" nhận tin nhắn quảng cáo sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng. Mọi cuộc gọi điện thoại quảng cáo phải có đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi (tên, địa chỉ) và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo. Trong trường hợp quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước.

Theo ông Lịch, một điểm mới nổi trội của Nghị định 91 là quy định việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia danh sách các thuê bao từ chối nhận quảng cáo bằng cách cho phép các thuê bao đăng ký hoặc hủy đăng ký thông qua cú pháp tin nhắn gửi về đầu số 5656 để có thể giám sát hoạt động gửi quảng cáo đúng luật và hạn chế TNR, CGR. "Nếu bất kỳ ai nhắn TNR, hay thực hiện CGR vào những thuê bao ở danh sách từ chối nhận mọi quảng cáo sẽ bị phạt từ 80-100 triệu đồng. Trên thế giới, ví dụ như Anh, Úc, Singapore, cũng áp dụng chính sách này để bảo vệ khách hàng" - ông Lịch nhấn mạnh.

Ông Lịch cho rằng vấn nạn "rác" làm phiền khách hàng là TĐTR cũng được Nghị định 91 siết chặt bằng việc Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng danh sách đen địa chỉ IP/dải IP phát tán TĐTR từ các nguồn thương mại và phi thương mại để làm cơ sở dữ liệu chung. Danh sách đó sẽ giúp các hệ thống máy chủ tăng cường khả năng chặn lọc email rác, hạn chế được rủi ro từ TĐTR gây ra.

Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết đã xây dựng và thử nghiệm giải pháp kỹ thuật để phát hiện CGR, lập danh sách thuê bao phát tán CGR cần chặn từ tháng 4-2020. VNPT đã theo dõi và xử lý qua hệ thống theo dõi kiểm soát TNR, thu thập thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng của VinaPhone, chặn "spam" tin nhắn bằng cách hạn chế 1 thuê bao gửi đi liên tục số lượng lớn tin nhắn... Khi phát hiện TNR, VNPT sẽ khóa đầu số, khóa số thuê bao, thậm chí cắt hợp đồng với các cá nhân/đối tác vi phạm. 

Bị quấy rầy gọi đến tổng đài 5656

Nghị định cũng nêu rõ việc Cục ATTT xây dựng, vận hành hệ thống tiếp nhận phản ánh TNR, CGR (trên đầu số 5656), TĐTR. Khi thực hiện các chương trình quảng cáo, người quảng cáo bằng tin nhắn đồng thời phải gửi bản tin nhắn quảng cáo tới hệ thống phản ánh TNR, CGR (trên đầu số 5656). Người sử dụng dịch vụ viễn thông, internet, thư điện tử có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới hệ thống này.

Bảo Trân - Theo NLĐ

Bạn đang đọc bài viết "Đã có cách "trị" tin nhắn rác" tại chuyên mục Xe và công nghệ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.