Bất động sản 24h: Những tâm sự "nhói lòng" của môi giới BĐS mùa Covid-19

25/08/2020 15:30

Những tâm sự "nhói lòng" của môi giới BĐS mùa Covid-19; Bất động sản cho thuê tại phố cổ Hà Nội đã đến lúc phải thay đổi; Nợ xấu đang cởi mở hơn... là những tin tức đáng chú ý 24h qua.

Những tâm sự "nhói lòng" của môi giới BĐS mùa Covid-19; Bất động sản cho thuê tại phố cổ Hà Nội đã đến lúc phải thay đổi; Nợ xấu đang cởi mở hơn... là những tin tức đáng chú ý 24h qua.

Những tâm sự "nhói lòng" của môi giới bất động sản mùa Covid-19

Tình cảnh của thị trường bất động sản hiện nay là vô cùng khó khăn. Tại một số địa phương, dù có sản phẩm được tung ra nhưng lượng tiêu thụ không như ý muốn. Đời sống của “cò đất” lâm vào tình thế... ngày càng xấu đi.

Anh Lê Ngọc Duy (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) tham gia hoạt động “cò đất” được hơn 2 năm. Thị trường của Duy chủ yếu ở huyện Bình Chánh và khu vực giáp ranh Long An.

Theo anh Duy, vào lúc thị trường sốt, mỗi tháng kiếm được hơn 20 triệu đồng. Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát từ sau Tết nguyên đán đã khiến cho công việc “cò đất” gặp nhiều trở ngại, thu nhập giảm suốt.

Từ cuối năm 2019 việc bán đất đã gặp nhiều khó khăn. Đến những tháng đầu của 2020, thành phố siết chặt công tác xây dựng, phân lô tách thửa ở huyện Bình Chánh nên việc giới thiệu đất lại càng khó hơn nữa.

"Dịch bệnh bùng phát khiến cho thị trường ảm đạm, khách hàng cũng có người hỏi nhưng hỏi rồi thôi chứ thấy có ai mua đâu. Mấy tháng liền không có thu nhập, tôi phải dùng tiền tiết kiệm để sống…”, anh Duy chia sẻ.

Sợ một ngày không xa tiền tiết kiệm cũng hết, Duy chuyển từ làm sale bất động sản sang làm gia sư...

Bất động sản cho thuê tại phố cổ Hà Nội đã đến lúc phải thay đổi

bat dong san pho co
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến gần 50% số lượng khách thuê trả lại mặt bằng ở phố cổ.

Những địa điểm có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, trước đại dịch được biết đến với tình trạng luôn hiếm mặt bằng cho thuê và giá thuê tương đối cao. Tuy vậy, dịch bệnh Covid-19 đã khiến gần 50% số lượng khách thuê trả lại mặt bằng.

Bên cạnh đó, mặt bằng cho thuê tại phố cổ vẫn đang tồn tại những hạn chế khiến giá trị không được khai thác ở mức cao nhất, dẫn đến lãng phí. Theo lãnh đạo một doanh nghiệp lớn chuyên phân phối bất động sản cho rằng, tình trạng nhà mặt tiền phố cổ cửa đóng then cài có rất nhiều nguyên nhân: Sức mua giảm, tình hình kinh doanh giảm sút; phụ thuộc khá nhiều vào khách quốc tế… Tuy nhiên, dù nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp thì đều bắt nguồn từ dịch Covid-19.

Bị ảnh hưởng trực tiếp là người đi thuê, gián tiếp là chủ thuê. Bởi khách thuê bị đọng vốn rất nhiều, dù có thể được cắt giảm tiền thuê nhưng đã đến mức họ không thể trụ lại, buộc phải đóng cửa trả mặt bằng.

Theo đó, khoảng 1 - 2 năm tới, bất động sản trên phố cổ mới có thể hồi phục được, thậm chí khó có thể phục hồi nếu không chuyển sang mô hình kinh doanh kiểu khác...

Nợ xấu đang cởi mở hơn

Ngày 18/8, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tổ chức hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2020.

Khoảng thời gian còn lại là 4 tháng. Dự kiến khó có phép màu để thực hiện trọn vẹn mục tiêu của cơ quan này, cũng như của toàn ngành.

Theo Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành có mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Thủ tướng phê duyệt đề án trên vào tháng 7/2017, tức khoảng thời gian thực hiện mục tiêu đó không được tròn 5 năm như lộ trình. Còn nếu tính từ đầu giai đoạn, năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nhận diện tổng thể lên tới trên 10%.

Chỉ sau hơn hai năm kể từ khi Đề án và mục tiêu trên xác định, toàn hệ thống ngân hàng đã nhanh chóng xử lý được lượng lớn nợ xấu, kéo vùng nhận diện trên xuống chỉ còn quanh 5% vào cuối 2019. Và với tốc độ này, 2020 có triển vọng hoàn thành mục tiêu dưới 3%.

Nợ xấu (chưa bao gồm VAMC và các nhóm theo biện pháp phân loại riêng) giảm xuống mức thấp trước khi Covid-19 xảy ra
Nợ xấu (chưa bao gồm VAMC và các nhóm theo biện pháp phân loại riêng) giảm xuống mức thấp trước khi Covid-19 xảy ra

Bộ Giao thông thúc địa phương bàn giao mặt bằng 3 cao tốc Bắc - Nam trong tháng 8/2020

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 3 Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển đổi sang hình thức đầu tư công là Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây.

Bộ GTVT cho biết là theo kế hoạch, các tỉnh sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công dự án vào quý II/2020. Tuy nhiên, đến hết tháng 7/2020, các địa phương chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo kế hoạch đề ra.

“Để đảm bảo tiến độ khởi công 3 dự án trong tháng 9/2020, Bộ GTVT đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai tập trung chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan và Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương khẩn trương thực hiện hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng 13 %), bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công các dự án trong tháng 8/2020”, công văn do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký nêu rõ.

Giải phóng nguồn lực đất vàng hậu di dời nhà máy, trụ sở bộ ngành

Bất động sản 24h: Những tâm sự nhói lòng của môi giới BĐS mùa Covid-19
Một khi việc xử lý khu đất vàng hậu di dời không đạt hiệu quả, không đúng quy hoạch, không quyết liệt sử dụng đúng mục đích, các hệ lụy đối với tương lai của đô thị chỉ còn chờ thời gian để bộc lộ

Chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Trước đó, kể từ thời điểm năm 1992, Hà Nội đã có kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp ra khỏi nội đô, sau khi quy hoạch chung được duyệt.

Năm 2016, tại báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP. Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020, sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, quận Đống Đa có 15 cơ sở; quận Ba Đình 2 cơ sở; quận Cầu Giấy 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở; quận Long Biên 17 cơ sở.

Tuy nhiên, sau 2 năm, tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2018, số liệu báo cáo TP. Hà Nội đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở và vẫn còn tới 113 nhà máy chưa di dời...

Đất vàng với những giá trị khổng lồ đã trở thành miếng bánh lợi ích mà ai cũng muốn xí phần. Một khi đã có được thì khó để “nhả” ra. Và một khi việc xử lý khu đất vàng hậu di dời không đạt hiệu quả, không đúng quy hoạch, không quyết liệt sử dụng đúng mục đích, các hệ lụy đối với tương lai của đô thị chỉ còn chờ thời gian để bộc lộ.

Bạn đang đọc bài viết "Bất động sản 24h: Những tâm sự "nhói lòng" của môi giới BĐS mùa Covid-19" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.